Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP

08:28, 17/05/2018

Những năm qua, nhờ phát triển chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình nuôi gà ta đẻ trứng ấp giống của gia đình ông Kiều Thơ (thôn 9, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) đã thu được kết quả khả quan và cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau thời gian dài chăn nuôi nhỏ lẻ theo cách nuôi thông thường, nhận thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nên việc phát triển các mô hình chăn nuôi sạch là hướng đi tất yếu. Năm 2014, ông Thơ quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại kiên cố quy mô 6.000 m2 trên diện tích gần 3 ha, nằm cách xa khu dân cư và bắt đầu nuôi gà ta đẻ trứng ấp giống theo quy trình của tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình nuôi gà VietGAP của gia đình ông Kiều Thơ.
Mô hình nuôi gà VietGAP của gia đình ông Kiều Thơ.

Ông Thơ cho biết, chăn nuôi gà VietGAP đòi hỏi cao về nguồn giống, thức ăn, tiêm vắc xin cho đến cách nuôi, phòng bệnh đều được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Toàn bộ hệ thống sản xuất chăn nuôi của gia đình ông được đầu tư xây dựng khép kín, nhiệt độ, vận tốc gió, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà. Trước khi vào thăm trại gà, phải trải qua bước khử trùng nhằm loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Cũng như gà thịt, gà nuôi lấy trứng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống cho đến phương pháp nuôi, đặc biệt là giai đoạn đẻ trứng, ấp, nở gà giống. Giống gà ông chọn mua khi mới bắt đầu nuôi là giống gà Ri lai được nhập về từ Viện Chăn nuôi Quốc gia, có kiểm dịch và nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi, đàn gà sẽ được theo dõi hằng ngày, có sổ nhật ký ghi lại những triệu chứng cụ thể để có cách xử lý. Trong quá trình chăm sóc, ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm. Nhờ thế đàn gà phát triển tốt, ít bệnh và tỷ lệ đẻ trứng cao. Từ khi nuôi gà con đến khi gà đẻ trứng khoảng 5 tháng, một lứa gà có thể khai thác trứng từ 7-8 tháng, tỷ lệ đẻ đạt 70%. Sau khoảng 8 tháng khai thác, lúc này chất lượng trứng và sức đẻ của gà không còn cao, sẽ thay thế đàn gà khác. Hiện tại, với 13.000 con gà đang trong thời điểm đẻ rộ, mỗi ngày cho gia đình ông thu hơn 9.000 quả trứng. Số trứng sau khi thu về được tiến hành xông khói sát trùng vỏ, soi trứng, ấp nở trong phòng vô trùng, sau 21 ngày thì cho một lượt con giống. Mỗi tháng, ông cung ứng ra thị trường từ 60.000 - 150.000 con giống, với mức giá thời điểm hiện tại là 14.000 đồng/con, cao nhất từ trước tới nay. Hiện ngoài nguồn lao động trong gia đình, ông còn tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên.

Ông Hoàng Công Nhiên, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ea Kar cho biết, mô hình nuôi gà của gia đình ông Kiều Thơ là một trong những mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương. Thực hiện chăn nuôi gà VietGAP đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với các trại gà thông thường 4-5 lần, nhưng lại cho năng suất cao, sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều và đầu ra tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời, thực hiện quy trình khép kín có thể giảm từ 5 - 10% chi phí thức ăn, chi phí thuốc thú y và giảm số nhân công phục vụ. Trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được quan tâm như hiện nay, việc phát triển chăn nuôi sạch được cấp chứng nhận VietGAP đang có rất nhiều triển vọng và mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.