Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Người dân không còn mặn mà với cây chuối Nam Mỹ

08:40, 23/05/2018

Sau gần 2 năm triển khai mô hình trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu tại huyện Buôn Đôn, việc tiêu thụ sản phẩm loại cây này đang gặp nhiều khó khăn.

Sau khi được tham gia các buổi hội thảo giới thiệu về mô hình trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu, ông Nguyễn Trung Thành cũng như nhiều người dân ở buôn Ea Mar, xã Krông Na đã nuôi giấc mơ làm giàu từ loại cây này. Năm 2016, ông Thành chuyển đổi 1 ha đất trồng rau màu của gia đình sang trồng 3.000 gốc chuối Nam Mỹ, với số vốn đầu tư ban đầu là 150 triệu đồng; đồng thời ký hợp đồng trồng chuối với Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (quận 11, TP. Hồ Chí Minh) là đơn vị cung cấp cây giống và nhận bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Thành, từ lúc xuống giống đến khi chuối cho thu hoạch, gia đình ông đều tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật dưới sự hướng dẫn, giám sát từ cán bộ chuyển giao kỹ thuật của công ty. Tuy nhiên đến ngày thu hoạch, công ty cho biết toàn bộ chuối của gia đình ông không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu mà chỉ có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa và  thu mua với giá chuối loại II là 3.000 đồng (loại I là 5.000 đồng). Nhưng trên thực tế, công ty lại thu mua với nhiều mức giá khác nhau từ 1.700-3.000 đồng/kg, khiến gia đình ông  thua lỗ hơn 100 triệu đồng ngay trong mùa đầu tiên.

Vườn chuối của gia đình ông Nguyễn Đức Buông (buôn Ea Mar, xã Krông Na).
Vườn chuối của gia đình ông Nguyễn Đức Buông (buôn Ea Mar, xã Krông Na).

Bên cạnh đó, vườn chuối cũng thường xuyên bị bệnh, nhất là bệnh nấm, ông Thành đã dùng nhiều loại thuốc đặc trị nhưng vẫn không khỏi, đành ngậm ngùi chặt bỏ toàn bộ diện tích chuối để chuyển sang trồng cây ăn quả, dù hợp đồng ký kết với công ty là 5 năm. “Theo như công ty cam kết, nếu người trồng tuân thủ đúng quy trình chăm sóc được hướng dẫn thì sản phẩm sẽ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cho thu nhập cao, mỗi héc ta đạt từ 250 triệu đồng trở lên, nên tôi đã nuôi hy vọng rất nhiều. Ai ngờ ngay trong vụ đầu tiên, tôi đã trắng tay”, ông Thành than thở.

Cùng buôn với ông Thành, gia đình ông Nguyễn Đức Buông cũng chịu cảnh tương tự. Với diện tích 1,5 ha, ông thu hơn 50 tấn chuối, thế nhưng số tiền bán chuối cũng chỉ đủ bù cho chi phí đầu tư đã bỏ ra trước đó. Sau một năm, thấy hiệu quả kinh tế mà cây chuối mang lại không như mong đợi, công ty lại thu mua với giá quá thấp nên ông Buông không còn tuân theo quy trình chăm sóc của công ty nữa và chọn bán chuối cho thương lái. Theo ông Buông, năm nay vườn chuối sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng đạt khoảng 70 tấn. Hiện thương lái vào tận vườn đặt mua, nhận bao tiêu sản phẩm với giá từ 3.000-4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông vẫn có lời.

 

 “Trong thời gian tới, Phòng sẽ hướng người dân trồng chuối theo hướng VietGAP để lấy lại thương hiệu cho cây chuối, đưa sản phẩm an toàn ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng".

 
 
Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Buôn Đôn

Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Buôn Đôn cho biết, cây chuối được đưa vào trồng ở huyện Buôn Đôn từ năm 2016 theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, với mục tiêu xuất khẩu. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, khí hậu và thổ nhưỡng ở Buôn Đôn tương đối phù hợp để cây chuối Nam Mỹ phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình, đã gặp không ít khó khăn như: một số vùng có địa hình, đất đai không phù hợp; người dân chưa tuân thủ đúng quy trình chăm sóc dẫn đến chuối không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu; phía đơn vị thu mua không thực hiện đúng cam kết đã ký gây tổn thất, thua lỗ cho người trồng… Năm nay, chuối đã bước vào vụ thu hoạch thứ hai, nhưng vẫn chưa có đợt chuối nào được xuất bán theo hình thức xuất khẩu. Hiện có khoảng 5 ha chuối bị người dân bỏ, không chăm sóc, tập trung chủ yếu ở xã Ea Huar và Krông Na. Đây là những diện tích chuối được trồng tại nơi có địa hình trũng, thấp, mưa thì ngập úng, nắng thì khô hạn nên chuối dễ bị mắc bệnh.

Được biết, huyện Buôn Đôn có khoảng 30 ha đất trồng chuối Nam Mỹ (trong đó có 6-7 ha là do người dân trồng tự phát) được chuyển đổi từ những diện tích đất trồng hoa màu và cây công nghiệp lâu năm kém hiệu quả. Toàn bộ diện tích chuối này đều được người dân bán xô quả cho các lái buôn với giá từ 4.000-5.000 đồng/kg, thay vì bán cho công ty với giá 3.000 đồng/kg nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Trung Thành (buôn Ea Mar, xã Krông Na) phá bỏ vườn chuối để trồng cây khác.
Ông Nguyễn Trung Thành (buôn Ea Mar, xã Krông Na) phá bỏ vườn chuối để trồng cây khác.

Thiết nghĩ, việc đưa cây chuối Nam Mỹ xuất khẩu vào trồng được địa phương kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân cũng như tạo ra những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, những bất cập nêu trên cho thấy, để lựa chọn được cây trồng phù hợp, cho lợi nhuận cao, ổn định đầu ra vẫn là bài toán khó, đòi hỏi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng có những bước đi đúng đắn, phù hợp với đặc thù của địa phương, tránh gây thiệt hại cho người dân.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.