Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ sản xuất thực phẩm an toàn

08:43, 15/05/2018

Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp bộ Hội Phụ nữ, thời gian qua, nhiều chị em đã lên ý tưởng và xây dựng thành công các mô hình khởi nghiệp từ sản xuất thực phẩm an toàn.

Đầu năm 2018, từ 50 triệu đồng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hỗ trợ khởi nghiệp cùng nguồn vốn vay từ ngân hàng, chị Nguyễn Thị Thắm (tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã đầu tư xây dựng khu vườn trồng rau thủy canh. Hiện nay, mô hình rau sạch của gia đình có diện tích 300 m2 được bao kín bằng lưới thưa và ni lông nên vừa có đủ ánh sáng, vừa đủ nguồn nước để rau phát triển tốt, bảo đảm chất lượng. Các loại rau như cải, xà lách được trồng theo từng ô, từng lứa, để ngày nào cũng có rau thu hoạch. Chị Thắm bộc bạch: “Địa phương hiện có tiềm năng về đất đai, khí hậu cho phát triển nông nghiệp và nguồn rau sạch đang là vấn đề quan tâm của người tiêu dùng. Hơn nữa, rau thủy canh sinh trưởng và phát triển nhanh bởi hấp thụ trực tiếp dưỡng chất hòa tan qua dòng thủy lưu, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ 30 ngày, giá cả cũng cao gấp 2-3 lần rau canh tác trên đất. Hiện tại, tôi đang hoàn tất hồ sơ để sản phẩm rau an toàn của gia đình được cấp chứng chỉ và công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem trên bao bì đóng gói trước khi đưa ra thị trường, tạo dựng thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng”.

Mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Thắm.
Mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Thắm.

Mô hình trồng nấm linh chi đỏ Nhật Bản của chị Nguyễn Thị Tâm, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) dù mới hoạt động hơn 1 năm nhưng nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhiều người. Đây không chỉ là địa điểm cung cấp nấm uy tín mà còn là điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm khởi nghiệp của nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn. Chị Tâm chia sẻ kỹ thuật trồng nấm: “Trồng nấm linh chi đòi hỏi kỹ thuật cao, tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật hấp, ươm và quan trọng nhất là tạo độ ẩm. Nhiệt độ từ 25 – 320C là thích hợp nhất, vì vậy cần tưới nước và tạo độ ẩm thường xuyên để cây nấm phát triển tốt. Thông thường, nếu điều kiện thuận lợi thì sau 4 tháng có thể thu hoạch nấm”. Hiện tại, mô hình trồng nấm của chị Tâm có gần 2 vạn phôi, bình quân mỗi năm  thu hoạch 3 vụ với tổng sản lượng gần 6 tạ. Với giá bán dao động khoảng 500 - 600 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ chăn nuôi sạch, mới đây, Hội LHPN xã Cư Kty (huyện Krông Bông) đã thành lập Tổ liên kết chăn nuôi gà an toàn với sự tham gia của 7 thành viên là hội viên phụ nữ, trong đó có 3 thành viên chăn nuôi, 1 thành viên cán bộ thú y, 1 thành viên là hộ kinh doanh thức ăn gia súc và 2 thành viên là nhà tiêu thụ sản phẩm.

Cán bộ Hội LHPN các cấp tham quan mô hình trồng rau an toàn của hội viên phụ nữ huyện Krông Ana.
Cán bộ Hội LHPN các cấp tham quan mô hình trồng rau an toàn của hội viên phụ nữ huyện Krông Ana.

Tổ liên kết hoạt động trên tinh thần tự nguyện, ban đầu các hộ chăn nuôi mỗi lứa ít nhất từ 100 con gà trở lên. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ sẽ hỗ trợ nhau về  kỹ thuật chăm sóc phòng trừ dịch bệnh và được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ tiếp cận các chủ trương chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của Nhà nước, địa phương.  Chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Bông cho biết, tổ hợp tác là một trong những mô hình điểm của huyện, được thành lập với mục đích giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững nên đặc biệt chú trọng nhiều đến khâu đầu tư sản xuất an toàn; tạo môi trường lành mạnh để các thành viên giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong phòng trừ dịch bệnh, cách thức sử dụng thức ăn trong chăn nuôi để bảo đảm cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, không nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếu hiệu quả, mô hình sẽ là điển hình để nhân rộng cho nhiều phụ nữ ở địa phương có thể khởi nghiệp và hình thành các tổ hợp tác khác.

Trước thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì sản xuất thực phẩm theo phương pháp an toàn là hướng đi cần thiết để thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người nông dân.

Có thể thấy, các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn của hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, từng bước đáp ứng nhu cầu cũng như mong muốn có được nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Hội LHPN thì cũng rất cần sự phối hợp của các cấp, ngành hữu quan giúp liên kết với các cá nhân, doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định và bình ổn giá cho sản phẩm để các mô hình thực sự là hướng đi bền vững, phát huy hiệu quả, giúp chị em khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương.

Tại lễ phát động Năm thi đua “Phụ nữ đồng hành với thực phẩm an toàn”, Hội LHPN tỉnh đã trao 8 suất vốn khởi nghiệp với tổng trị giá 260 triệu đồng cho 8 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của hội viên phụ nữ. Trong đó có 2 mô hình trồng rau, 2 mô hình trồng nấm, 1 mô hình nuôi dê, 1 mô hình nuôi gà, 1 mô hình sản xuất rượu cần và 1 cửa hàng thực phẩm an toàn.

Vân Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.