Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ cây mít da xanh siêu sớm

08:41, 23/05/2018

Nhờ mạnh dạn đưa vào trồng 2 ha mít da xanh siêu sớm trên đất cát mà kinh tế của gia đình anh Lê Văn Hậu, ở thôn 2B (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) dần trở nên khấm khá.

Năm 2014, qua tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Hậu lặn lội về các nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang tìm hiểu về giống mít da xanh siêu sớm (còn được gọi là giống mít changai). Học hỏi kinh nghiệm, anh nhận thấy giống mít da xanh siêu sớm có nhiều lợi thế như: dễ trồng, phù hợp với nhiều vùng thổ nhưỡng, đặc biệt có thể trồng trên đất cát (đất đã từng trồng sắn). Vì vậy, anh Hậu quyết định mua hơn 1.000 cây mít giống về trồng. Trước đây, 2 ha đất này, anh Hậu chủ yếu trồng sắn và ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, vườn mít của gia đình anh Hậu đã cho thu hoạch năm thứ ba, mỗi tháng thu hoạch 3 đợt (trung bình mỗi đợt từ 30 - 35 kg/cây), với giá bán trên thị trường hiện nay từ 15 - 40 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Anh Lê Văn Hậu (bìa trái) giới thiệu về giống mít da xanh siêu sớm cho cán bộ  Hội Nông dân huyện Ea H’leo.
Anh Lê Văn Hậu (bìa trái) giới thiệu về giống mít da xanh siêu sớm cho cán bộ Hội Nông dân huyện Ea H’leo.
 
Giống mít da xanh siêu sớm thuộc dòng mít thái, thích hợp trồng trên đất cát. Qua quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật và sử dụng phân bón phù hợp sẽ cho năng suất cao hơn so với trồng ở điều kiện thổ nhưỡng khác”.
 
Anh Lê Văn Hậu, thôn 2B (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo)

Theo anh Hậu, giống mít da xanh siêu sớm có khả năng chịu hạn tốt, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản, chỉ phải bón 2-3 đợt phân trong năm đầu tiên. Thời gian xuống giống vào mùa mưa (khoảng tháng 4-5), trước khi xuống giống phải khử đất bằng vôi  hoặc thạch cao từ 10-20 ngày, trong thời gian này cần bón phân lót và đảo đất, tạo cho đất một lớp dinh dưỡng. Cây mít từ 2 năm tuổi trở lên cho thu hoạch thường xuyên, bình quân mỗi năm khoảng 100 kg. “Để cây mít cho năng suất cao, cần chú trọng lượng phân bón sinh học kết hợp với phân hóa học theo liều lượng hợp lý nhằm hạn chế xơ đen, trái nứt. Giống mít này có tuổi thọ không quá 10 năm, do đó muốn cây phát triển tốt và đạt năng suất cao nên tỉa bớt trái non, không để rong bám vào cây, phải cắt cành hư và kiểm tra vườn cây thường xuyên nhằm phòng tránh sâu đục cuống”, anh Hậu chia sẻ.

Anh Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H’leo cho biết, mô hình trồng mít da xanh siêu sớm của gia đình anh Hậu đã mở ra một hướng phát triển kinh tế cho bà con nông dân đang canh tác ở những vùng đất cát cằn cỗi. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững loại mít này, đòi hỏi phải kiểm soát việc trồng tự phát và nhất là tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.