Multimedia Đọc Báo in

Nông dân chủ động chuyển đổi giống cà phê năng suất cao

08:25, 11/05/2018

Vài năm trở lại đây, nhiều nông hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chủ động chuyển sang trồng giống mới năng suất cao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Cũng như bao gia đình khác trong buôn, trước đây bố mẹ anh Y Bel Êban (SN 1990) ngụ buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) còn canh tác cà phê theo phương thức truyền thống, sử dụng giống cây cà phê thực sinh tự ươm để trồng thuần nên thời gian cho thu hoạch rất lâu, năng suất không cao. Hơn nữa, cây cà phê hay bị bệnh, nhiều cây bị chết phải nhổ bỏ trồng lại từ đầu. Thấy vậy, anh Y Bel luôn trăn trở làm sao có thể vừa cải tạo rẫy cà phê nhà mình vừa có nguồn thu để duy trì kinh tế gia đình. Với vốn kiến thức nông lâm tích lũy qua 4 năm đại học, Y Bel bắt đầu tìm hiểu trên mạng xã hội về các dòng cà phê mới, tham quan các mô hình trồng giống cà phê mới năng suất cao. Cuối tháng 9-2017, Y Bel quyết định phá bỏ 5 sào cà phê già cỗi trong tổng diện tích 1,6 ha để trồng giống cà phê dây Thuận An. Qua 10 tháng chăm sóc, cây đã phát triển xanh tốt và bắt đầu cho ra trái bói. Theo anh Y Bel, với tổng diện tích 1,6 ha, bình thường sản lượng chỉ đạt khoảng 3,5 - 4 tấn có thể nói là rất thấp, chỉ đủ để bù vốn đầu tư chứ không có lãi. Bởi vậy anh trồng thử nghiệm giống cà phê dây, nếu thành công sau này sẽ nhân rộng thêm. Giống cà phê mới này có ưu điểm là kháng bệnh gỉ sắt, nấm hồng, nếu chịu khó đầu tư kỹ thuật thì năng suất cao hơn rất nhiều so với giống cà phê cũ trước kia.

Người dân buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar) tái canh ghép chồi cà phê non.
Người dân buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar) tái canh ghép chồi cà phê non.

Chị H’Võ Êban (SN 1980), trú buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) thì chọn tái canh vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi non và thấy hiệu quả rõ rệt từ việc sản lượng cà phê của gia đình tăng đáng kể. Năm 2015, chị H’Võ thuê người đến tận rẫy ghép chồi giống cà phê TR4, mùa thu hoạch niên vụ 2016 năng suất đạt 3,5 tấn/ha, đến niên vụ năm 2017 đã tăng lên hơn 4 tấn/ha. Hiện tại gia đình đang tiếp tục tái canh cà phê trên diện tích còn lại . Chị H’Võ chia sẻ: “Muốn phát triển cà phê bền vững, vợ chồng mình đã chủ động chuyển sang loại giống mới chất lượng hơn, năng suất hơn. Thấy vườn cà phê người ta năm nào cũng đạt năng suất cao, mình nghĩ quyết tâm là sẽ làm được thôi. Với lại bây giờ nhà nào cũng có mạng Internet, chỉ cần chịu khó vào Google tìm hiểu cách chăm sóc từng loại giống rồi áp dụng chứ đâu còn phải vất vả như trước đây”. 

Vườn cà phê dây của anh Y Bel Êban đã ra quả bói.
Vườn cà phê dây của anh Y Bel Êban đã ra quả bói.

“Toàn xã hiện có hơn 20 ha cà phê già cỗi đang được các hộ cải tạo, tái canh bằng cách trồng mới hoặc ghép chồi non, số diện tích còn lại bà con đang tiếp tục thanh lý dần để duy trì vốn. Từ cuối năm 2017 đến nay, Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ cho bà con trên địa bàn xã hơn 18.000 cây giống chất lượng, trong đó có cây cà phê từ nguồn vốn đối ứng. Bên cạnh đó, bà con cũng đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc chọn giống cây cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp" - ông Hoàng Viết Cát, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) cho hay.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.