Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ nuôi dế thương phẩm

07:57, 10/05/2018

Anh Phạm Văn Lễ (thôn 10, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã mạnh dạn đầu tư và thành công với mô hình nuôi dế thương phẩm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, gia đình anh Lễ cũng nuôi heo, gà để có thêm thu nhập, tuy nhiên nhận thấy tình hình dịch bệnh, giá cả bấp bênh cộng với môi trường chăn nuôi không phù hợp với khu dân cư đông đúc, khiến anh luôn trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu, tham quan một số mô hình nuôi dế tại Long An, Gia Lai cho hiệu quả kinh tế cao nên anh Lễ đã quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo hướng nuôi dế thương phẩm.

Anh Phạm Văn Lễ kiểm tra tình hình phát triển của đàn dế.
Anh Phạm Văn Lễ kiểm tra tình hình phát triển của đàn dế.

Tận dụng khu chuồng trại nuôi heo cũ của gia đình, đầu năm 2017, anh Lễ mua 10 hộp trứng dế Thái Lan, với giá 100.000 đồng/hộp về nuôi. Do mới bắt tay vào làm, chưa có kinh nghiệm, vệ sinh chuồng trại chưa được chú trọng khiến cho lứa dế đầu tiên bị hao hụt gần một nửa do dế chui ra ngoài và bị chết. Sau một thời gian vừa làm vừa học hỏi, tìm hiểu kiến thức nuôi dế trên tivi, sách, báo…, anh Lễ đã nắm vững kỹ thuật nuôi nên đàn dế sinh trưởng, phát triển tốt. Anh đã sửa chữa, thiết kế lại khu nhà trại cho phù hợp để nuôi dế. Theo đó, chuồng nuôi dế được xây bằng xi măng cao khoảng 0,7 mét, phân thành các ô nhỏ có diện tích từ 2-3 m2 (mỗi ô đặt 3-4 ổ trứng dế), xung quanh được che chắn bằng những tấm bạt để ngăn gió, côn trùng.

 

“Anh Phạm Văn Lễ được xem là người tiên phong đưa giống dế Thái Lan về nuôi trên địa bàn xã. Đây là mô hình kinh tế khá mới mẻ ở địa phương, đem lại nguồn thu khá lớn cho người nuôi, góp phần mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế”.

 
 
Ông Trần Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Ni

Nhận thấy chi phí đầu tư nuôi dế thấp, công chăm sóc ít, không gây ô nhiễm môi trường mà lại cho thu nhập ổn định, anh Lễ tiếp tục mở rộng quy mô đàn lên 30 hộp trứng được nuôi gối đầu, trung bình mỗi tháng thu hoạch một đợt dế. Anh Lễ cho biết: “Nếu đàn dế khỏe mạnh, sinh trưởng tốt thì sau 60 ngày là có thể thu hoạch. Mỗi ô nuôi dế cho ra từ 6-8 kg dế thương phẩm là đạt năng suất”.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi và chăm sóc dế, anh Lễ cho biết, thức ăn cho dế khá đơn giản chủ yếu là bột ngô, cám gạo và một số loại rau, cỏ như xà lách, cải non, lá sắn, cỏ voi… Hằng ngày, dùng vòi phun sương từ 2-3 lần để làm mát và giữ độ ẩm cho dế. Dế là loài vật dễ nuôi, ít bệnh nhưng có sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với hóa chất và mùi lạ nên đòi hỏi môi trường sống phải yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát; thức ăn, nước uống phải thay rửa thường xuyên.

Vừa nuôi vừa mở rộng quy mô, đến nay trại dế của anh được xây dựng khá khang trang với diện tích gần 50 m2, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 150 kg dế thương phẩm, cung cấp cho một số nhà hàng trên địa bàn tỉnh và một số vùng như TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Gia Lai... Với giá bán 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi tháng anh thu lãi từ 10-12 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Lễ phun sương để làm mát, giữ độ ẩm cho trại dế.
Anh Phạm Văn Lễ phun sương để làm mát, giữ độ ẩm cho trại dế.

Ngoài việc nuôi dế thương phẩm, anh Lễ còn cung cấp trứng, dế giống, vật tư, dụng cụ nuôi cũng như tư vấn kỹ thuật nuôi dế, xây lắp chuồng trại cho những ai có nhu cầu. Anh Lễ cho biết, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô nuôi dế kết hợp nuôi tắc kè, rắn mối để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho con dế, từ đó thu hút người dân trong vùng cùng nuôi dế để phát triển kinh tế.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.