Tái cơ cấu ngành trồng trọt: Bắt đầu từ đâu? (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Tái cơ cấu theo lộ trình riêng
Trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì từ nay đến năm 2020, trồng trọt vẫn là ngành chủ lực. Để góp phần bảo đảm an ninh lương thực và tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thì tái cơ cấu ngành Trồng trọt theo lộ trình riêng đã và đang được ngành thực hiện.
Ưu tiên phát triển cây trồng còn giá trị gia tăng
Ngày 10-8-2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2325/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Sở NN-PTNT cũng xây dựng kế hoạch riêng cho từng lĩnh vực, trong đó đối với ngành trồng trọt là Quyết định số 1485/QĐ-SNN, ngày 14-12-2017 về kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, việc tái cơ cấu sẽ tập trung phát triển nhóm cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và còn giá trị gia tăng cao gồm tái cơ cấu sản xuất cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả dài ngày (bơ, sầu riêng)... Đến năm 2020 toàn tỉnh ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 18.700 ha, năng suất 3,34 tấn/ha, sản lượng đạt 43.660 tấn, diện tích hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao (CNC) khoảng 3.000 ha, sản lượng 13.500 tấn; 20.000 ha cây ăn quả gồm bơ 4.000 ha (trong đó 1.000 ha CNC), sầu riêng 5.000 ha, nhóm cây có múi hơn 4.500 ha... Tuy nhiên, việc tái cơ cấu ngành trồng trọt sẽ ưu tiên cây cà phê với việc duy trì ổn định 180.000 ha tại 14 huyện, thị xã, thành phố (trừ Ea Súp) với năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha và sản lượng 478.850 tấn. Trong đó, vùng cà phê ứng dụng CNC là 40.000 ha, năng suất bình quân đạt 4,2 tấn/ha, sản lượng 160.000 tấn; thực hành các biện pháp thâm canh cà phê bền vững, đưa tỷ lệ cà phê được cấp chứng chỉ quốc tế 4C, UTZ, RainForest đạt 20% vào năm 2020, tăng lên 30% vào năm 2030.
Chế biến ướt cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. |
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phân tích, sở dĩ ngành lựa chọn cây cà phê là cây trồng chủ đạo trong tái cơ cấu ngành Trồng trọt bởi hiện nay cà phê vẫn là cây trồng chính của tỉnh với hơn 203.000 ha, sản lượng bình quân hằng năm là hơn 445.000 tấn. Việc phát triển cà phê bền vững đòi hỏi phải có môi trường sinh thái tương thích, trong đó cà phê phải được che bóng, chắn gió vào mùa khô nhưng vẫn có sự thông thoáng nhất định vào mùa mưa. Do đó sự kết hợp hài hòa giữa các loại cây ăn trái và hồ tiêu xen canh với mật độ phù hợp vừa tận dụng tối đa quỹ đất, vừa góp phần gia tăng sự đa dạng sinh thái trên vườn. Đây cũng là mục tiêu của đề án “Phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk từ năm 2017-2020 và định hướng đến năm 2030” hướng tới.
Rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến
Mặc dù là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích cà phê nhưng hiện nay nội thân ngành hàng vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình là tình trạng trồng ngoài quy hoạch khiến việc sản xuất cà phê mùa khô gặp khó khăn do thiếu nước và cạnh tranh nguồn nước với những vùng trong quy hoạch. Mặt khác, trên 85% diện tích cà phê hiện nay vẫn nằm trong dân với cách tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, khác biệt của mỗi nông hộ. Do đó, việc rà soát lại quy hoạch cà phê gắn với các cây trồng xen canh theo vùng nguyên liệu đang được ngành trồng trọt thực hiện. Theo đó diện tích cà phê của huyện Cư M’gar đến năm 2020 là 30.000 ha, Krông Năng 25.000 ha, Ea H’leo 20.000 ha, Krông Pắc 17.000 ha, thị xã Buôn Hồ 15.000 ha, huyện Cư Kuin 13.000 ha, TP. Buôn Ma Thuột 12.000 ha… Các vùng trọng điểm bên cạnh sản xuất cà phê chất lượng cao còn tăng tỷ lệ chế biến ở quy mô công nghiệp lên 80% năm 2020 và 100% năm 2030; mở rộng quy mô, công suất chế biến cà phê hòa tan lên 10.200 tấn (2%) năm 2020 và 32.500 tấn (5%) năm 2030; tổng sản lượng cà phê rang xay từ 4,3% hiện nay lên 10% vào năm 2020 và 20% vào năm 2030. Giá trị sản xuất cà phê theo giá hiện hành đạt gần 24.813 tỷ đồng năm 2020. Việc rà soát quy hoạch trên gắn với kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch đô thị, công nghiệp để xây dựng các vùng chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo lộ trình thực hiện 7 ngành hàng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, sắn, ong mật, bò sữa và bò thịt.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch nghệ. |
Tuy mỗi nông sản là khác biệt nhưng để phát triển xanh, bền vững đòi hỏi sự kết hợp chéo trong việc sản xuất các nông sản. Hiện tại ngành trồng trọt đang tăng cường liên kết thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, HTX kết nối nông dân và doanh nghiệp sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn FLO, RainForest, 4C… Việc mở rộng bảo hộ quốc tế cho Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cũng đang được ngành tính đến với mục đích nâng cao giá trị gia tăng cho hạt cà phê khi hội nhập. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phân tích, các hiệp định tự do thương mại luôn đề cao vấn đề sở hữu trí tuệ cũng như chất lượng sản phẩm. Do đó, việc mở rộng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cũng như vùng nguyên liệu đang được tính đến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng cho nông sản từ vườn cây đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành cũng như sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước.
Theo Quyết định số 286/QĐ-TTg, ngày 9-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì cà phê vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Lắk. Vì vậy việc phát triển cà phê cần gắn với bối cảnh chung của ngành theo hướng sản xuất xanh, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là giải pháp để ngành nâng cao giá trị gia tăng. |
(Còn nữa)
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc