Thu hút đầu tư: Cần có sự chuẩn bị tốt trên "sân nhà"
Thời gian qua, tỉnh ta đã rất nỗ lực đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không được như kỳ vọng.
Tỉnh đã mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...; chủ động tiếp cận, vận động trực tiếp một số tập đoàn, tổng công ty lớn có năng lực tài chính, công nghệ và thị trường đầu tư vào một số dự án trọng điểm. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đã đến và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, việc thu hút đầu tư của tỉnh vẫn rất hạn chế, số lượng dự án ít, tổng vốn đầu tư thấp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 39 dự án, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư 25 dự án với tổng vốn đầu tư trên 2.322 tỷ đồng, đang xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án và tiếp nhận 4 hồ sơ đăng ký đầu tư. Mới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5-2018 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho rằng, việc thu hút đầu tư thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và nhất là chưa thể hiện được kết quả của công tác xúc tiến đầu tư. Bởi bên cạnh “kênh” xúc tiến chính thống như các hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã rất nỗ lực “kéo” các nhà đầu tư lớn về với tỉnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp. Thế nhưng, việc giữ chân nhà đầu tư ở lại và tham gia các dự án trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế.
Thi công một hạng mục thuộc dự án phong điện tại huyện Ea H'leo. Ảnh: M. Thông |
Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là do sự chuẩn bị trên “sân nhà” của tỉnh đang có nhiều vấn đề. Bên cạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, thì nguyên nhân đáng nói nhất là việc chuẩn bị “sản phẩm” để chào mời nhà đầu tư còn rất hạn chế. Minh chứng cho điều này là đến nay đã gần hết nửa năm công tác nhưng vẫn chưa ban hành được danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2018, việc mà đáng ra ít nhất phải có ngay từ đầu năm 2017. Bởi một khi danh mục này chưa có, nếu các nhà đầu tư đến tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư thì tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc giới thiệu nội dung muốn kêu gọi đầu tư cụ thể, trọng điểm và đương nhiên họ sẽ tìm kiếm cơ hội ở nơi khác thuận lợi, rõ ràng hơn. Hay như việc có nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực thật sự muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đến nay Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 vẫn chưa ban hành được.
Hồ thủy điện Buôn Kuốp (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những địa điểm đang kỳ vọng sẽ được nhà đầu tư quan tâm làm dự án điện năng lượng mặt trời. |
Đề án không chỉ cụ thể hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn là một trong những cơ sở quan trọng để nhà đầu tư tham khảo trước khi quyết định tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là UBND tỉnh đã rất nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu ngành Nông nghiệp phải sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án này, nhưng vẫn không có kết quả. Trong khi đó, thời gian phát huy hiệu quả của Đề án còn lại rất ít và việc chậm trễ này đã khiến nhiều nhà đầu tư không dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này của tỉnh.
Có thể nói, song song với việc tăng cường xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội thì việc chuẩn bị trên “sân nhà” cũng không kém phần quan trọng, thậm chí là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc