Làm giàu từ mô hình đa cây, đa con
Từ vùng quê Hà Nam vào thôn 9, xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) lập nghiệp, anh Phạm Đình Thủy đã lựa chọn nông nghiệp là hướng phát triển kinh tế gia đình. Anh tích lũy vốn, lấy ngắn nuôi dài với ý định mở rộng quy mô sản xuất, làm giàu bằng mô hình đa cây, đa con.
Năm 2005, anh Thủy mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để chuyển đổi gần 3 ha đất vườn sang trồng mía. Khi mới trồng mía, gia đình anh cũng gặp không ít khó khăn trong khâu chọn giống và chăm sóc. Nhưng được Công ty Cổ phần Mía đường Khánh Hòa hỗ trợ, cùng sự chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng mía có hiệu quả khác, gia đình anh đã tiếp cận và ứng dụng hiệu quả kỹ thuật chọn giống, canh tác trên vườn mía của mình. Có thu nhập ổn định từ trồng mía, gia đình anh Thủy tiếp tục đầu tư mua thêm đất, trồng thêm 6 sào cà phê vối, 2 ha gấc, 1 ha cây trồng ngắn ngày kết hợp chăn nuôi thêm heo, gà. Ngoài ra, anh còn đầu tư 700 triệu đồng mua 2 máy cày để phục vụ khâu làm đất của gia đình và người dân trên địa bàn xã. Từ tất cả các nguồn thu, mỗi năm gia đình anh Thủy thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng, có điều kiện xây nhà cửa khang trang, mua sắm các tiện nghi đắt tiền phục vụ đời sống.
Nhiều nông dân tham gia Hội thảo đầu bờ mô hình Chanh dây tím Đài Loan thực hiện tại gia đình anh Phạm Đình Thủy. |
Không dừng lại ở đó, cuối năm 2017, sau khi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, anh Thủy quyết định tham gia Dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của huyện, với mô hình trồng cây chanh dây tím Đài Loan xen canh cây mãng cầu xiêm trên diện tích 1 ha. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật và quy trình chăm sóc, qua gần 8 tháng thực hiện, cây chanh dây tím đã thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương với tỷ lệ sống đạt 98%. Hiện mô hình chanh dây tím của gia đình anh Thủy đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, ước tính năng suất đạt trên 30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 125 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cây mãng cầu xiêm cũng đang phát triển rất tốt, hứa hẹn mùa bội thu.
Có thể thấy, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để tránh rủi ro, biến động của thị trường cũng như tận dụng tối đa thời gian sản xuất và có thể sử dụng hiệu quả các phế phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi đang là hướng đi được nhiều nông dân thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế về nhiều mặt. Mô hình trồng trọt với nhiều loại cây trồng kết hợp thêm chăn nuôi của gia đình anh Phạm Đình Thủy là một điển hình được nhiều hộ nông dân ở Cư Prao học tập, làm theo.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc