Phát triển bền vững cây có múi theo hướng nông nghiệp sạch
Trong những năm gần đây, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, bước đầu được đánh giá mang lại hiệu quả khá cao.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có gần 1.150 ha cây có múi (cam 354 ha, quýt 479 ha, chanh 191 ha, bưởi 120 ha), tập trung chủ yếu ở các huyện Buôn Đôn, Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrắk. Trước sự tăng trưởng về diện tích, sản lượng, việc phát triển cây có múi trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội địa, giá trị xuất khẩu không đáng kể, nguyên nhân do các giống địa phương chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sản xuất nên chất lượng sản phẩm không cao; nhiều loại sâu, bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, tuổi thọ vườn cây…
Vườn quýt trồng xen trong vườn cà phê ở huyện Buôn Đôn. |
Nắm bắt được tình hình trên, Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích, nhất là ở những vùng đất không phù hợp, chỉ tập trung canh tác trên diện tích đã có sẵn, đồng thời định hướng cho nông dân sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt để nâng cao giá trị sản phẩm. Năm 2018, huyện đã xây dựng được 37,7 ha cây ăn trái sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó tập trung nhiều cho cây có múi để hướng đến xây dựng thương hiệu trái cây huyện Buôn Đôn. Cũng theo định hướng phát triển này, huyện Ea Kar đã thành lập được Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại, dịch vụ, vận tải Thành Công (xã Cư Elang) để liên kết các hộ trồng cây có múi sản xuất theo chuỗi giá trị có chứng nhận VietGAP. Điều đáng mừng là những sản phẩm VietGAP này cũng đã có mặt ở chuỗi của hàng thực phẩm sạch và Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. Hiện hợp tác xã đang đầu tư hệ thống sơ chế, đóng gói để đưa ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vườn cam sản xuất theo quy trình VietGAP ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar. |
Theo Sở NN-PTNT, để phát huy lợi thế về các loại cây trồng có múi trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu, Sở đã chỉ đạo các địa phương hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích cây có múi, nhất là tại những vùng không phù hợp; duy trì quy mô, diện tích hiện có ở những vùng trồng phù hợp, có thị trường ổn định. Đối với những diện tích trồng phân tán tại các vùng không phù hợp, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, chú trọng nâng cao tỷ lệ sử dụng giống có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt; sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, sạch bệnh. Đặc biệt, tăng cường đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất theo hướng giảm chi phí, giá thành sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn (như sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học và phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại). Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các đơn vị liên quan cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, chú trọng công tác phát triển thị trường nội địa, xúc tiến thương mại sản phẩm tại một số thị trường xuất khẩu có tiềm năng.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc