10 năm thực hiện Nghị quyết "Tam nông" ở thị xã Buôn Hồ
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26–NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thị xã Buôn Hồ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn
Giai đoạn 2008-2018, thị xã Buôn Hồ đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với tổng nguồn vốn huy động hơn 4.710 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp của thị xã trong giai đoạn này đạt 5,16%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp (từ hơn 60,18% năm 2009 xuống còn 36,83% năm 2017) và tăng dần tỷ trọng ngành Thương mại – Dịch vụ, Công nghiệp – Xây dựng. Sản xuất trồng trọt trên địa bàn thị xã giai đoạn 2008-2018 có sự chuyển dịch giữa các loại cây trồng chính như cà phê, hồ tiêu, ngô và cây ăn quả, duy trì tỷ lệ tăng trưởng bình quân 5%/năm. Trong đó, diện tích cà phê 14.380 ha, với sản lượng hằng năm đạt từ 33.000-39.000 tấn; cây hồ tiêu tăng mạnh, đạt 3.800 ha (tăng hơn 3.200 ha so với năm 2009), sản lượng đạt 8.000 tấn; cây ăn quả đạt 1.100 ha…
Mô hình trồng xen tiêu và cây ăn trái của nông dân phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ). |
Để thúc đẩy từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực được thị xã đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2008 - 2017, thị xã đã tổ chức 566 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt cho 27.125 lượt người tham gia; tập huấn cho 1.610 lượt thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp và trưởng thôn, buôn, tổ dân phố. Nhờ đó, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cũng không ngừng được nâng cao. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm; 100% thôn, buôn có điện; 94,48% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 71,47% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, 100% buôn đồng bào dân tộc thiểu số có nhà sinh hoạt cộng đồng, 2/5 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và 5/5 xã đạt tiêu chí về văn hóa theo chuẩn nông thôn mới. Phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc, các xã đều có đội văn nghệ xã để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức; có 3/5 xã, phường có đội cồng chiêng (phường An Lạc, xã Ea Drông và Cư Bao); 5/5 xã có đội hát múa truyền thống của dân tộc Êđê, hát Then của dân tộc Tày, Nùng...
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, bộ mặt nông thôn của thị xã đã thay đổi một cách toàn diện. Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình ủng hộ và đạt được kết quả quan trọng; hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Đến nay, toàn thị xã đạt 80/95 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bình quân chung đạt 16 tiêu chí/xã. Trong đó có 2 xã đạt 19 tiêu chí (Ea Blang và Cư Bao); các xã còn lại đạt từ 11-17 tiêu chí. |
Đến nay, 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phát triển sản xuất. Giai đoạn 2011 – 2018, thị xã đã huy động 383,394 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp 22,634 tỷ đồng, doanh nghiệp 8,739 tỷ đồng, số còn lại là từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Xác định xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển, các tuyến đường từ trung tâm xã đi các thôn đang từng bước được đầu tư, nâng cấp với tỷ lệ bê tông, nhựa hóa đạt 41,1% (72,26 km/175,95 km); đường ngõ xóm được bê tông hóa, cứng hóa 41,7% (74,96 km/179,59 km)...
Đường nông thôn mới ở xã Ea Blang. |
Tiếp tục phát huy lợi thế vị trí địa lý, nguồn lực về tự nhiên, kinh tế – xã hội để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thị xã Buôn Hồ đang tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thị xã đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tập trung phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có lợi thế, có thị trường; ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, nâng cao sức cạnh tranh.
Để hiện thực các mục tiêu trên, các giải pháp mang tính đột phá được chính quyền thị xã tập trung thực hiện trong giai đoạn tiếp theo gồm: đổi mới phương thức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa với các vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực này.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc