An toàn thực phẩm ở chợ: "Thả nổi" đến bao giờ?
Tại nhiều chợ trong tỉnh, nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm tra, giám sát chất lượng được bày bán tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Mua hàng bằng… niềm tin
Tại chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), một số quầy hàng thịt chín - sống để lẫn lộn. Thịt heo được bày bán trên những chiếc bàn cũ kỹ, đen sì, mỡ bám cáu bẩn từ ngày này qua tháng khác. Bên cạnh đó, lòng heo đã luộc chín hay chả lụa được bày bán chung mà không hề che đậy, mặc ruồi, nhặng bâu quanh. Trên những lối đi, thi thoảng lại bắt gặp một vài vũng nước bẩn kề sát khu vực bán hàng ăn... Một tiểu thương ở đây cho hay, cơ sở vật chất ở chợ không thể đáp ứng cho hoạt động buôn bán nên đành “có sao dùng vậy”. Tuy nhiên, cả chục năm nay chưa thấy xảy ra tình trạng ngộ độc nào nên... chắc cũng không sao (?!)
Khu thực phẩm tươi sống tại chợ đầu mối Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột). |
Hàng hóa ở hầu hết các chợ rất đa dạng, nhưng lại rơi vào tình trạng nhập nhèm nguồn gốc hoặc không nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan. Nhiều loại gia vị phụ gia thực phẩm được bán với giá rất rẻ. Tiêu biểu như chai tương ớt loại 5 lít, không nhãn mác được bán chỉ với giá 25.000-30.000 đồng/chai. Tương tự, ớt bột khô được cho vào các túi ni lông không nhãn mác, hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất cũng được bán phổ biến tại nhiều chợ. Đáng lưu ý, mới đây Bộ NN-PTNT tiến hành lấy 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu kiểm tra ngẫu nhiên ở 11 địa phương ở cả 3 vùng trong cả nước để phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì có đến 95/262 mẫu (chiếm 36,25%) vượt ngưỡng dư lượng Aflatoxin cho phép. Trong đó, tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản chiếm 30,7%; tại hộ kinh doanh trong chợ chiếm 48,6%; tại siêu thị chiếm 21,6%. Theo kết quả công bố của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Aflatoxin là một chất có thể gây ung thư cho người dùng.
Về phía người tiêu dùng, nhiều bà nội trợ cho hay, mỗi ngày đi chợ hầu như phải mua thực phẩm theo cảm tính, bằng niềm tin với người bán là chính. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, thực phẩm bẩn, không an toàn với nhiều chất có hại không chỉ gây ngộ độc cấp tính khi ăn nhiều mà còn gây ngộ độc mãn tính. Khi sử dụng nhiều hoặc trong thời gian dài, những chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể dẫn tới các tổn thương, gây bệnh tật hoặc ung thư.
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng
Tình trạng mất an toàn thực phẩm tại các chợ đã đến mức báo động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cùng với việc chợ xuống cấp, cơ sở vật chất không bảo đảm thì công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng ở phân khúc lưu thông này hầu như bị thả nổi, dẫn đến việc lơ là, xem nhẹ sức khỏe người mua của tiểu thương bán hàng. Họ “vô tư” nhập hàng trôi nổi, kém chất lượng về bán lén lút lẫn công khai, miễn là thu được lợi nhuận, bởi không có cơ quan nào kiểm tra, giám sát hay xử phạt. Người bán thì thiếu trách nhiệm, người mua thì dễ dãi trong việc lựa chọn nên tình trạng hàng hóa kém chất lượng ở chợ ngày càng phổ biến.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 148 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1 và 15 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3 (gồm chợ tổng hợp, chợ dân sinh, chợ nông thôn, chợ tạm), với gần 10.000 hộ kinh doanh. Thực tế cho thấy tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm đang diễn ra phổ biến tại các chợ trên địa bàn. |
Trước thực tế trên, từ năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án xây dựng "Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm" giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn. Dự án này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận với các loại thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay Sở Công thương mới chỉ lập đề cương dự toán kinh phí chuyển Bộ Công thương, nhưng vẫn chưa được phê duyệt để tiến hành triển khai thực hiện.
Người tiêu dùng chọn mua bánh kẹo tại chợ Buôn Ma Thuột. |
Trong khi chờ mô hình chợ bảo đảm các tiêu chí, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm ra đời trên địa bàn tỉnh thì thực trạng hiện tại đòi hỏi nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Y tế, chính quyền địa phương, Ban quản lý các chợ… cùng tích cực tham gia quản lý, kiểm soát hàng hóa bán ra tại chợ. Bởi, chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương thì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở chợ mới được chú trọng và có chuyển biến. Đặc biệt, phải coi việc kiểm tra, kiểm soát là việc làm thường xuyên và lâu dài. Đồng thời có chế tài, kiên quyết xử lý đối với các hộ kinh doanh không chấp hành tốt các quy đinh về an toàn thực phẩm để làm gương cho các hộ khác. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm ở chợ.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc