Triển vọng từ mô hình trồng sachi ở huyện Krông Búk
Mong muốn tìm ra loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, Hội Nông dân huyện Krông Búk đã đưa cây sachi (tên khoa học Plukenetia Volubilis) vào trồng thử nghiệm ở một số xã trên địa bàn huyện. Với đặc tính dễ thích nghi, ít sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế, loài cây được mệnh danh “vua của các loại hạt” này được kỳ vọng trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.
Năm 2016, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Hội Nông dân huyện, gia đình ông Y Rik Mlô ở buôn Đrơng Lớn (xã Cư Pơng) đã trồng thử nghiệm 1 sào sachi, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cây cho thu nhập thấp. Năm 2017, được hỗ trợ từ Đề tài “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sachi trên địa bàn huyện Krông Búk” của Hội Nông dân huyện, gia đình ông Y Rik mạnh dạn mở rộng diện tích trồng sachi lên 5 sào. Hiện nay, diện tích sachi của gia đình ông đã bắt đầu cho thu hoạch khoảng 60 kg/tuần, với giá bán bao tiêu từ Hội Nông dân huyện dao động từ 40.000 - 80.000 đồng/kg hạt khô và từ 25.000 - 50.000 đồng/kg quả tươi. Ông Y Rik chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 ha đất, chủ yếu trồng cà phê, nuôi heo, gà, tuy nhiên phần lớn là đất cằn cỗi nên không thể đầu tư mở rộng diện tích trồng cà phê. Qua tìm hiểu từ bà con họ hàng ở Gia Lai tôi biết đến cây sachi, nhưng trồng chưa hiệu quả. Nhờ cán bộ Hội Nông dân các cấp hướng dẫn, tôi đã áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây sachi đã mang lại cho gia đình tôi một khoản thu nhập khá. Trong thời gian tới, tôi sẽ thử nhân giống và mở rộng diện tích trồng sachi để phát triển kinh tế gia đình”.
Ông Y Rik Mlô (xã Cư Pơng) bên vườn sachi mới trồng được một năm. |
Tương tự, vườn sachi trồng thử nghiệm 0,5 ha của hộ ông Y Vôn Niê ở buôn Cư Kanh (ở xã Ea Sin) hiện đang phát triển tốt với tỷ lệ sống 99%, bắt đầu ra hoa sau 3-5 tháng trồng, và sau 6-8 tháng là cho thu hoạch. Ông Y Vôn cho hay, qua gần một năm gắn bó với cây sachi, nhận thấy loại cây leo bán thân gỗ này có khả năng chịu hạn rất tốt, từ lúc trồng đến 5 tháng tuổi không phải bón phân, khi ra hoa chỉ cần bón một đợt phân. Đến thời điểm này, cứ 3 ngày ông Y Vôn thu một lượt được 30 kg quả tươi sachi.
Bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk
|
Dự án “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sachi trên địa bàn huyện Krông Búk” được Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện triển khai trồng thí điểm tại 2 hộ dân trên diện tích 1 ha gồm 0,5 ha trên vùng đất đỏ bazan (xã Cư Pơng) và 0,5 ha vùng đất xám, sỏi đá (xã Ea Sin) từ tháng 8-2017 đến tháng 9-2018, với tổng kinh phí thực hiện gần 280 triệu đồng (trong đó nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học là trên 164 triệu đồng, còn lại là từ các nguồn vốn khác). Bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk (Chủ nhiệm Dự án) cho biết: Qua một năm thực hiện mô hình trồng thí điểm cho thấy dù trồng ở vùng đất đỏ bazan hay đất cằn cỗi, cây sachi đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch sau gần một năm trồng, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật cây có thể ra quả chất lượng (5-6 hạt/quả). Khi gieo trồng cần chú ý đến khoảng cách tương ứng giữa các hố trồng, nếu trồng thuần thì mật độ 1.500 - 2.000 cây/ha, khoảng cách giữa cây và hàng trong khoảng 2 m x 3 m. Chi phí đầu tư trồng 1 ha sachi khoảng 100 triệu đồng, so với trồng cây cà phê và cây ăn quả, mức đầu tư này cao hơn, nhưng thời gian thu hồi vốn nhanh bởi ưu điểm vượt trội là cây trồng hằng năm, tính rải vụ cao, thu hoạch liên tục, thời gian khai thác từ 20 - 30 năm với sản lượng tăng dần và đạt cao nhất từ năm thứ ba trở đi (5 - 7 tấn/ha), do đó sẽ tạo được việc làm quanh năm cho nông dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Với những vườn sachi được chăm sóc tốt thì bắt đầu thu hoạch năm thứ hai là đã thu hồi vốn. Hiện nay, ngoài 2 hộ trồng thí điểm, Hội Nông dân huyện Krông Búk còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc câu sachi cho 5 hộ dân đang trồng cây sachi ở các xã Ea Sin, Cư Pơng, Pơng Đrang, Ea Ngai với khoảng 500 gốc đều đã cho thu hoạch và được các tiểu thương thu mua với mức giá dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/kg hạt khô.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Búk (bìa trái) hướng dẫn ông Y Rik Mlô (xã Cư Pơng) kỹ thuật chăm sóc cây sachi. |
Còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của Dự án “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sachi trên địa bàn huyện Krông Búk” nhưng rõ ràng những kết quả bước đầu mà 2 mô hình trên mang lại cho thấy nỗ lực của địa phương trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi nhằm mở ra một hướng phát triển kinh tế cho người dân. Nhưng để sachi thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm thường xuyên, ổn định và nâng cao thu nhập cho người nông dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải có sự định hướng và hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt khi phát triển diện tích hay tăng quy mô sản xuất cần phải liên kết trong sản xuất, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ các đơn vị có nhu cầu.
Hoàng Ân - Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc