Trồng chanh dây tự phát ở xã Hòa Sơn (Krông Bông): Hiệu quả cao nhưng cũng lắm rủi ro!
Thời gian gần đây, một số hộ nông dân xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đã đưa vào trồng thử nghiệm cây chanh dây và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế đáng kể từ loại cây trồng mới này.
Trước đây, khu vườn với diện tích hơn 4.000 m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Hiệp (thôn Hòa Xuân) trồng cây cà phê song dù gia đình bà đã bỏ công sức chăm bón, đầu tư rất nhiều nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thấy bà con nông dân ở xã Ea Toh (huyện Krông Năng) thu lợi cao từ trồng chanh dây nên tháng 4-2017 bà Hiệp bàn với gia đình phá bỏ gần 3 sào cà phê chuyển sang trồng thử 150 cây chanh dây với giá cây giống 35.000 đồng/cây. Sau 6 tháng trồng, vườn chanh dây đã cho thu hoạch với số lượng quả rất nhiều (6 tấn/vụ), quả rất đẹp. Chanh dây được bà Hiệp bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg quả loại 1; 3.000 – 4.000 đồng/kg quả loại 2, 3, tổng thu nhập hơn 80 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng cà phê. Thấy trồng chanh dây mang lại hiệu quả cao, năm 2018 gia đình bà Hiệp quyết định san ủi toàn bộ khu vườn nhà và mở rộng diện tích trồng chanh dây lên 4.000 m2. Tận dụng khoảng thời gian chanh dây chưa leo giàn, gia đình bà trồng thêm đậu phộng. Chanh dây và đậu phộng phát triển xanh tốt, hứa hẹn một vụ thu hoạch mới năng suất cao. Đây là mô hình trồng xen canh rất hợp lý của gia đình bà Hiệp ở vùng đất đen pha cát kém dinh dưỡng như xã Hòa Sơn.
Ông Trương Văn Hồng (thôn 7, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) trong vườn chanh dây của gia đình. |
Không chỉ gia đình bà Hiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã cũng đã đưa cây chanh dây vào trồng. Trên địa bàn xã Hòa Sơn hiện có gần 4 ha chanh dây. Tuy nhiên, thu hoạch từ chanh dây bước đầu cũng chỉ giúp một số hộ thu đủ tiền vốn bỏ ra mua cây giống và làm giàn chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế thật sự như mong đợi. Do trồng tự phát nên bà con đang vừa tìm tòi học hỏi và áp dụng thử nghiệm, chưa biết cách phòng trừ các loại bệnh trên cây chanh dây. Thực tế cho thấy một số hộ đã bị thiệt hại do không biết cách phòng bệnh cho loại cây này. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Thông (thôn 8) trồng hơn 100 gốc chanh dây với diện tích khoảng 2.000 m2. Vườn chanh dây của ông Thông cho trĩu quả nhưng sau đó bị bệnh nấm trắng lây lan rất nhanh mà không thể chữa khỏi khiến cây chết dần dù đã ở độ thu hoạch. Bệnh nấm trắng cũng khiến chất lượng quả chanh dây không bảo đảm chất lượng. Một số hộ trồng chanh dây ở thôn 7 cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Thiết nghĩ, để cây chanh dây thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những loại cây xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân xã Hòa Sơn, các cơ quan chức năng của địa phương cần nắm bắt tình hình, xây dựng quy hoạch, đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phòng trừ bệnh cho bà con.
Mộng Linh
Ý kiến bạn đọc