Xây dựng nông thôn mới ở Hòa Phong (Krông Bông): Đường về đích vẫn còn xa
Là một trong hai xã của huyện Krông Bông được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, qua 7 năm thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Hòa Phong đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 thì con đường đi đến đích vẫn còn xa.
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân hưởng lợi”, đến nay bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, Hòa Phong đã đầu tư trên 85 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở; trong đó nhân dân đóng góp quy ra giá trị trên 2,5 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhân dân đã hiến 20 m2 đất ở, đóng góp 298 triệu đồng tiền mặt và 1.784 ngày công để làm 1.470 m đường bê tông giao thông nội vùng, nâng tổng số chiều dài đường bê tông và nhựa hóa là 17,315 km (đạt tỷ lệ gần 50%); bê tông hóa 1.485 m kênh mương, nâng tỷ lệ chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 60%. Đến nay, xã đã có 10/12 thôn, buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; giữ vững chuẩn quốc gia về y tế; quốc phòng - an ninh trên địa bàn được giữ vững…
Công trình cấp nước cho người dân tổ Vân Kiều (thôn 2) từ nguồn vốn DA 18. |
Tuy vậy, đến cuối năm 2017, Hòa Phong mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Những tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông (toàn xã vẫn còn trên 15 km đường giao thông liên thôn là đường đất, 39 km đường nội đồng chưa được cứng hóa khiến việc đi lại vận chuyển sản phẩm của người dân gặp khó khăn); thủy lợi (theo lộ trình đến năm 2015 có ít nhất 4 công trình hồ đập được kiên cố hóa, thế nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai do không có nguồn vốn); cơ sở vật chất trường học (trên địa bàn xã hầu như chưa có trường nào có các phòng chức năng, một số trường chưa có phòng hiệu bộ, vì thế chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia). Đặc biệt, đối với tiêu chí số 10 về thu nhập, đến cuối năm 2017, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 17,2 triệu đồng, bằng 90% mức bình quân chung của huyện; tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất: ngoài tổ hợp tác dùng nước thì đến nay toàn xã vẫn chưa có hợp tác xã nào đi vào hoạt động…
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Phong được xây dựng từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới và nhân dân đóng góp. |
Có thể nói, những tiêu chí chưa đạt đều cần có nguồn vốn rất lớn; trong khi đó, Hòa Phong là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%, trong đó dân di cư ngoài kế hoạch chiếm trên 27%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều là 45,7%, hộ cận nghèo là 19,8%, việc huy động sức dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết là những yếu tố không thuận lợi cho việc tái cơ cấu nền nông nghiệp; địa phương vẫn còn nhiều lúng túng trong việc xác định giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng với nhu cầu của thị trường… Ông Huỳnh Viết Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: Với điều kiện của một xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu, việc hoàn thành các tiêu chí cần nhiều vốn như: đường giao thông, thủy lợi, chợ, trường học… và tiêu chí giảm nghèo bền vững là điều thật sự khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong khả năng của mình, xã Hòa Phong vẫn đang cố gắng tìm cách tháo gỡ những khó khăn trên. Trong năm 2018, xã huy động trên 3, 2 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình 135 để đầu tư theo hình thức “cuốn chiếu” bê tông hóa những tuyến đường giao thông liên thôn như đường đi thôn 5 – 6, đường vào tổ Vân Kiều (thôn 2); đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng những loại cây có giá trị kinh tế cao, kết hợp với việc tạo công ăn việc làm mới cho 150 lao động để nâng cao thu nhập cho người dân…
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc