Multimedia Đọc Báo in

Kỳ tích thủy điện Đrây H'linh

08:52, 31/08/2018

Cách đây một phần ba thế kỷ, biết bao mồ hôi, công sức và cả máu xương đã đổ xuống dòng Sêrêpôk để viết nên bản anh hùng ca về lao động và khát vọng ấm no, hạnh phúc – Công trình thủy điện Đrây H’linh.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Xuân Bá, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470, người có công lớn nhất trong việc xây dựng công trình thủy điện đầu tiên của tỉnh vào một chiều thu tháng Tám. Trong mấy bức ảnh đã nhuốm màu thời gian được ông đóng khung treo trang trọng trên tường, tôi ấn tượng nhất bức chụp về nhà máy thủy điện Đrây H’linh ngày mới hoàn thành. Cẩn thận lau lớp bụi bám trên ảnh, người cựu chiến binh nay đã ở tuổi 83 chia sẻ: “Ảnh này do chính tôi chụp và đặt tên là Chiến Công để lưu giữ lại kỷ niệm đẹp nhất trong đời binh nghiệp”.

Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá giới thiệu bức ảnh chụp Nhà máy thủy điện Đrây H’linh ngày mới hoàn thành.
Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá giới thiệu bức ảnh chụp Nhà máy thủy điện Đrây H’linh ngày mới hoàn thành.

Với ông Bá, “kỷ niệm đẹp nhất” ấy là những ngày tháng muôn vàn khó khăn, nhưng đầy vinh quang 30 năm trước. Từ sau ngày giải phóng miền Nam đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Đắk Lắk bước vào giai đoạn tái thiết kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, nên nhu cầu dùng điện rất lớn. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có một vài trạm phát điện nhỏ chạy bằng dầu diesel phục vụ cho khu vực trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Trước yêu cầu cấp bách về năng lượng, tỉnh xác định phải xây dựng nhà máy thủy điện nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, phục vụ sinh hoạt của người dân. Địa phương được Bộ Năng lượng thiết kế công trình thủy điện Đrây H’linh nằm trên sông Sêrêpôk, đoạn qua thác Đrây H’linh thuộc địa phận xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột ngày nay. Lúc này, không có đơn vị nào dám nhận thi công vì điều kiện hết sức khó khăn bởi lực lượng phản động FULRO phá hoại, địa hình rừng núi hiểm trở, đoạn sông rộng 500 m toàn đá tảng. Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy là đồng chí Y Ngông Niê Kdăm mời Đại tá Lê Xuân Bá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12) lên gặp và trực tiếp giao nhiệm vụ. Sau khi hỏi thăm hoạt động của đơn vị và nêu lên những khó khăn của tỉnh nhà, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy động  viên: “Thôi thì tỉnh Đắk Lắk nhờ cậy các đồng chí. 470 là đơn vị Anh hùng, quân đội không làm thì ai làm!” Lời “khích tướng” của đồng chí Y Ngông Niê Kdăm đã chạm vào tự ái của người lính đã 20 năm lăn lộn từ chiến trường Điện Biên Phủ và dọc tuyến đường Trường Sơn. “Được lãnh đạo tỉnh tin tưởng, tôi mạnh dạn nhận nhiệm vụ liền, nhưng trong thâm tâm cũng rất lo lắng bởi đơn vị lâu nay chỉ quen làm các công trình giao thông, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy điện”, ông Lê Xuân Bá nhớ lại khoảnh khắc dẫn đến quyết định táo bạo của mình.

Toàn cảnh nhà máy thủy điện Đrây H’linh.
Toàn cảnh nhà máy thủy điện Đrây H’linh.

Đúng dịp kỷ niệm 9 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 30-4-1984, cờ Tổ quốc tung bay trên công trường, những người thợ mang áo lính thuộc Trung đoàn 4 của Sư đoàn 470 Anh hùng bắt tay vào phá đá, đào đất xây dựng thủy điện Đrây H’linh. Địa điểm thi công nằm giữa chốn rừng thiêng nước độc, địa bàn xa trung tâm, đi lại khó khăn. Trong khi đó, lực lượng phản động FULRO phá hoại, đơn vị phải tuần tra truy quét, bảo vệ công trường mới có thể thi công. Ông Nguyễn Bá Mân - lúc đó là Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 470, Kỹ sư trưởng phụ trách công trình - vẫn nhớ như in những năm tháng gian khổ sát cánh cùng đồng đội ở đây. Ông kể, khối lượng công trình rất lớn, gồm đập ngăn sông, đập tràn, nhà máy phát điện, trong đó gian nan nhất là phải khoan phá đá làm hố móng sâu 60 mét ròng rã hơn một năm trời. Đây là công trình trọng điểm nên lãnh đạo tỉnh thường xuyên xuống công trường giao ban với anh em. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể cũng thường xuyên đến thăm, tặng quà động viên các công nhân, cán bộ, chiến sĩ.

Sản lượng điện đã phát từ khi đưa vào vận hành đến nay của Nhà máy thủy điện Đrây H’linh đạt hơn 1,9 tỷ kWh, riêng trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 39,5 triệu kWh.

Trong tâm trí của những người đã từng trực tiếp tham gia xây dựng thủy điện Đrây H’linh, đối mặt với gian khổ, hiểm nguy lúc bấy giờ thì chỉ có sức người, cộng với ý chí sắt đá và lòng hăng say lao động vì dòng điện cho quê hương mới làm nên thành công. Ông Lê Xuân Bá nhớ lại, Sư đoàn 470 đã huy động lực lượng hùng hậu gồm 500 chiến sĩ, có thời điểm lên đến 1.000 người, thay nhau ngày làm 3 ca. Thủ trưởng đơn vị ngày đêm có mặt ở công trường để chỉ huy và động viên cán bộ, chiến sĩ, bộ phận cấp dưỡng thì tăng gia thêm 500 con lợn, hàng ngàn con gà để tiếp phẩm nuôi quân. Khó khăn gian khổ thì không nói hết, trên công trường lúc ấy, anh em bộ đội phải ăn cơm trộn ngô và bo bo, bệnh sốt rét hành hạ, phương tiện thi công chỉ là cuốc, xẻng, xà beng, máy móc thô sơ, công suất nhỏ, việc khoan đá, đắp đập, đào móng và đổ bê tông chủ yếu làm bằng tay. Sau 6 năm trời vượt qua bao gian khó, tháng 2-1990, cả 3 tổ máy thủy điện Đrây H’linh với tổng công suất 12 MW được hoàn thành đưa vào phát điện trong niềm hân hoan không chỉ của những người lính mà cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đó ánh điện đã thắp sáng nhiều buôn làng, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh. Với những người lính công binh, xây dựng công trình thủy điện đầu tiên trên sông Sêrêpôk lúc ấy quả là kỳ tích, chiến công rực rỡ. Tuy nhiên, đằng sau chiến công ấy là bao mất mát, đau thương khi 13 quân nhân đã hy sinh để dòng điện Đrây H’linh bừng sáng. Tháng 11-1990, Sư đoàn 470 và đồng chí Lê Xuân Bá vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những thành tích trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt trong xây dựng công trình thủy điện Đrây H’linh.

Các kỹ sư đang điều khiển vận hành các tổ máy của thủy điện Đrây H’linh.
Các kỹ sư đang điều khiển vận hành các tổ máy của thủy điện Đrây H’linh.

Ông Lê Văn Thiện Nhân, Giám đốc Xí nghiệp thủy điện Đrây H’linh (thuộc Công ty Lưới điện cao thế miền Trung) chia sẻ, so với nhiều công trình xây dựng sau này, thủy điện Đrây H’linh tuy nhỏ về quy mô, nhưng đây là công trình lịch sử của ngành điện, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh. Tri ân những người đã ngã xuống nơi đây, vào các ngày lễ, Tết, ngày 27-7 và 22-12 hằng năm, đơn vị luôn tổ chức dâng hương tại đài tưởng niệm và bia ghi danh các liệt sỹ đặt trong khuôn viên nhà máy.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.