Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm giá trị nông sản Đắk Lắk (Kỳ cuối)

10:42, 26/08/2018
[links(left)]
Kỳ cuối: Tăng cường liên kết và xây dựng thương hiệu
 
Thực tế phát triển cho thấy, Đắk Lắk có rất nhiều nông sản có giá trị như cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, xoài, tinh dầu sả… và số người dân được hưởng lợi từ các sản phẩm trên cũng rất lớn. Do đó, để phát triển và có thể cạnh tranh trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương đòi hòi phải có sự liên kết giữa “4 nhà”. 
 
Cơ hội phát triển cho nhiều địa phương
 
Có thể khẳng định, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm, phù hợp và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung. 
 
Nói đến xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma thuột), nhiều người sẽ nghĩ đến đặc sản cá lăng đuôi đỏ. Chỉ từ vài hộ nuôi đầu tiên (năm 2015), đến nay cả xã đã có hàng chục hộ nuôi cá lăng; trong đó, có 20 hộ tham gia vào Hợp tác xã Cá lăng đuôi đỏ. Không những thế, loại cá “đặc sản” này đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập như hộ ông Trần Văn Kiếm (thôn 2), Hoàng Quốc Bài (thôn 5), Lê Văn Cường (thôn 5)… Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú bày tỏ, hiện nay, cá lăng được phát triển nuôi ở nhiều vùng, nhưng hiếm có nơi nuôi nhiều và tập trung như ở Hòa Phú. Hơn thế nữa, giống cá lăng đuôi đỏ của địa phương có nguồn gốc từ sông Sêrêpốk, thịt cá thơm ngon khác biệt với nhiều nơi.
 
Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ của người dân xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).
Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ của người dân xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).
Hiện nay, với sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột, địa phương đã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ và gửi Cục Sở hữu trí tuệ để xin cấp Giấy chứng nhận bảo hộ... Việc xây dựng thương hiệu này kỳ vọng sẽ giúp đặc sản cá lăng của xã Hòa Phú mở rộng thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho những hộ nông dân muốn làm ăn theo hướng hội nhập.
 
Hay như ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) lâu nay vốn nổi tiếng với nghề nuôi nai lấy nhung, hiện có khoảng 500 hộ nuôi với tổng số gần 2.000 con. Sự ra đời của Hợp tác xã sản xuất Thương mại – Dịch vụ nai Cư Êbur đã phần nào giải quyết được nhu cầu tiêu thụ nhung nai cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, tháng 3-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài cấp tỉnh “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nai Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột” với nội dung hướng đến hoàn thiện các biện pháp, kỹ thuật chăn nuôi nai; nghiên cứu hoàn thiện các quy trình đóng gói, bảo quản các sản phẩm từ nai, tập trung chủ yếu nhung nai; quảng bá và phát triển thương mại thương hiệu Nhãn hiệu tập thể nai Cư Êbur...
 
Cần sự liên kết của “4 nhà”
 
Do đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng, Đắk Lắk có thế mạnh để phát triển nhiều loại nông sản đặc trưng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc sản xuất những mặt hàng này chủ yếu vẫn theo hình thức đơn lẻ, tự phát, thiếu đầu tư, người dân chưa chú ý mở rộng quy mô và xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Song song đó, doanh nghiệp, người sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến khâu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm đặc thù mà phần nhiều duy trì thói quen “tự sản, tự tiêu” sản phẩm làm ra. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: hồ tiêu, sầu riêng, xoài, bò thịt, nhung nai… vẫn còn gặp khó khăn trong việc bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu mà phần lớn phải qua thương lái hoặc chỉ tiêu thụ với quy mô nhỏ, lẻ… Điều này dẫn đến tình trạng không những giảm giá trị kinh tế nông sản mà còn dẫn đến thất thu cho ngân sách địa phương. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu các cơ sở chế biến để tăng chất lượng, thiếu sự liên kết giữa các bên trong tiêu thụ nông sản và hạn chế trong công tác xúc tiến thương mại.
 
Nghề trồng nấm ở huyện Krông Ana đang dần trở thành thương hiệu của địa phương.
Nghề trồng nấm ở huyện Krông Ana đang dần trở thành thương hiệu của địa phương.
Phải nói rằng những năm gần đây tỉnh ta đã rất quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản để góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh còn quan tâm xây dựng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng mở rộng về quy mô, sản lượng, bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Điển hình như các vùng sản xuất Cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột, Nấm Krông Ana, Mắc ca Krông Năng, Gạo Krông Ana, Cà phê Ea Tu - Buôn Ma Thuột, Tinh dầu sả Java Ea Tir - Ea H’leo...
 
Bên cạnh đó, hằng năm, các cơ quan chức năng cũng đã mở nhiều lớp tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quản lý thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm nói riêng; hỗ trợ, hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký bảo hộ đặc sản địa phương. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là việc hỗ trợ này chỉ mới dừng lại ở một vài đơn vị, địa phương và mới ở khâu đăng ký, còn việc phát triển thương hiệu hầu như chưa được quan tâm, đầu tư để phát triển tiềm năng có sẵn.  
 
Chính vì vậy, để phát triển và có thể cạnh tranh trên thị trường cần phải có liên kết “4 nhà” để giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trong đó, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách, nguồn vốn cụ thể để xây dựng các vùng chuyên canh, các nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về kỹ thuật và nhà nông cần phải có tầm nhìn, trình độ khoa học kỹ thuật…
 
“Trong hội nhập sẽ không thể tránh khỏi sự tranh chấp thương mại. Do đó việc đăng ký bảo hộ thương hiệu đặc sản địa phương là một trong những sự chuẩn bị cấp thiết để bảo hộ sản phẩm cũng như là căn cứ pháp lý để bảo vệ sản phẩm khi hội nhập. Sự chậm trễ đăng ký có thể dẫn đến thương hiệu bị chiếm đoạt, lạm dụng trên thị trường nước ngoài” - ông Dương Bình Tuy, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ
 
Thúy Hồng – Thanh Hường
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.