Phát huy hiệu quản lý nhà nước về phát triển kinh tế
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế là một trong những nội dung quan trọng được Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, nhằm cụ thể, hiện thực hóa các mục tiêu, chương trình theo Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng.
Theo báo cáo của Văn phòng Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình: Chương trình số 17-Ctr/TU, ngày 4-10-2017 về thực hiện Nghị quyết số 1-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chương trình số 18-Ctr/TU, ngày 4-10-2017 về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chương trình số 19-Ctr/TU, ngày 4-10-2017 về thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Trên cơ sở các chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện, cụ thể hóa nhiệm vụ chủ yếu và phân công các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện. Để tiếp tục tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo…, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế được Tỉnh ủy xem là một trong những nội dung quan trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện.
Chuyên gia Úc thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Đăng Phong. |
Để nâng cao năng lực quản lý, xây dựng thể chế của Nhà nước, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Trong năm 2017, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18/CT-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện quy định xin lỗi bằng văn bản và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị khi giải quyết quá hạn thủ tục hành chính trên địa bàn. Nghiêm túc thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử để đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước, xử lý giải quyết thủ tục hành chính. Trong năm 2017, tổ chức công bố, khai trương hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông của tỉnh và triển khai tại 19 sở, ban, ngành và 15 huyện, thị xã, thành phố và 184/184 xã, phường, thị trấn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cải cách hành chính đối với các thủ tục có liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ động đề ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân. Hằng năm tỉnh đều tổ chức thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đánh giá và xếp loại công tác cải cách hành chính của sở, ban, ngành, góp phần bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trong đó cập nhật, rà soát, bổ sung thêm nhiều thông tin đánh giá thực trạng theo hướng gắn với nhu cầu thị trường và bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Việc lập quy hoạch đã quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ, tác động của đối tượng quy hoạch đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực, lãnh thổ, các vùng… góp phần giúp tỉnh khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, tạo lập môi trường minh bạch, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm 2017, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch phát triển cụm công nghiệp Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng 2025; quy hoạch chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, định hướng 2030; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030…
Phong trào khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của đoàn viên thanh niên. |
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp như: Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng phát huy vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hỗ trợ hội viên liên kết, hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Mới đây, Không gian làm việc chung về khởi nghiệp của tỉnh được tỉnh hỗ trợ đầu tư và giao cho Hội Doanh nhân trẻ quản lý, vận hành là bước đi khởi đầu nhằm khơi dậy tinh thần vươn lên làm giàu chính đáng cũng như thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp…
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển là các giải pháp mà tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, cổ vũ và khơi dậy phong trào khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong giai đoạn mới như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII đã đề ra.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc