Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Cư M'gar

08:32, 17/09/2018

Sau 8 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, huyện Cư M’gar bước đầu đã đào tạo được một lực lượng lao động nông thôn có tay nghề, kỹ thuật. Đặc biệt, lớp dạy nghề xây dựng đã giúp các lao động nông thôn có thêm việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M’gar (Trung tâm dạy nghề) đã mở được 7 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các lớp nông nghiệp và phi nông nghiệp như: kỹ thuật chăm sóc cây cao su, hồ tiêu; xây dựng dân dụng, kỹ thuật nấu ăn… thu hút 226 lao động nông thôn theo học. Riêng lớp dạy nghề xây dựng đã tổ chức được 2 đợt gồm 4 lớp với 124 học viên.

Đây là hoạt động dạy nghề hoàn toàn miễn phí dành cho lao động nông thôn, có số lớp đào tạo nhiều nhất và có nhiều học viên đăng ký học, một phần do nhu cầu học nghề tăng, một phần do cách thức tổ chức linh hoạt như dạy tập trung tại Trung tâm dạy nghề huyện, dạy lưu động tại các thôn, buôn. Đợt học thứ 2 được tổ chức tại Nhà văn hóa xã Ea Tul gồm 2 lớp với 62 học viên dân tộc thiểu số theo học. Học viên vừa được học kiến thức cơ bản về kỹ thuật xây dựng dân dụng vừa được thực hành tại chỗ với dụng cụ, nguyên vật liệu xây dựng do Trung tâm hỗ trợ, lại được bồi dưỡng 30.000 đồng/người/buổi.

Các học viên xã Ea Tul đang thực hành nghề xây dựng dân dụng.
Các học viên xã Ea Tul đang thực hành nghề xây dựng dân dụng.
 
“Đối với nghề xây dựng dân dụng thì 100% học viên sau khi kết thúc khóa học đều có thể kiếm việc làm cho mình thông qua sự giới thiệu của giáo viên và của một số học viên trong lớp” .
 
Thầy Phan Phú Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M’gar

Sau 4 tháng học nghề, không ít học viên đã mạnh dạn đứng ra nhận những công trình xây dựng nhà cửa, hàng rào… cho người dân trên địa bàn, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn ở địa phương. Anh Y Phô Niê (buôn Knia, xã Ea Tul) cho hay: “Sau khi theo học lớp xây dựng dân dụng, tôi đã có kiến thức về nghề xây và biết xây. Thời gian đầu, tôi vẫn đi phụ hồ và xây các hạng mục nhỏ đơn giản để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng vui nhất là tiền công của tôi đã tăng lên từ 170 nghìn đồng lên 250 nghìn đồng/ngày”.

Thầy Trương Văn Ty (Giáo viên Trung tâm dạy nghề huyện) cho biết, cuối khóa học, sau khi tay nghề đã vững, các học viên sẽ được gửi đi hỗ trợ các công trình xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người dân trên địa bàn hoặc những nơi có nhu cầu.

Các học viên lớp học nghề xây dựng dân dụng xã Ea Tul đang xây nhà cho gia đình Amí H’Djin ở Buôn Knia, xã Ea Tul.
Các học viên lớp học nghề xây dựng dân dụng xã Ea Tul đang xây nhà cho gia đình Amí H’Djin ở Buôn Knia, xã Ea Tul.

Qua những buổi thực hành trên công trình thực tế, các học viên sẽ được trau dồi thêm những kỹ năng mà mình còn thiếu trong quá trình học tập. Như gia đình Amí H’Djin ở buôn Knia, xã Ea Tul vừa được thầy Ty gửi học viên sang hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết trong dịp này. Gia đình chị khó khăn về nhà ở, thiếu đất sản xuất, anh chị phải đi làm thuê, làm mướn để trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Việc được hỗ trợ ngày công làm nhà đã giúp gia đình giảm bớt chi phí ngày công lao động, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc