Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa

07:52, 18/09/2018

Là đô thị cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, thị xã Buôn Hồ có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật khu vực phía Bắc của tỉnh. Trong đó, ngành Du lịch đang được thị xã đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh thu hút đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân trong và ngoài tỉnh.

Nằm giữa lòng thị xã Buôn Hồ nhộn nhịp, nhưng hầu hết người dân buôn Tring (phường An Lạc) vẫn giữ nếp sinh hoạt ở nhà sàn; bảo tồn, lưu giữ cồng chiêng. Những giá trị văn hóa truyền thống ấy được bà con đồng bào Êđê nơi đây xem là “bảo vật”. Buôn Tring  có trên 400 hộ gia đình, trong đó có khoảng 70% hộ vẫn còn giữ lại nhà sàn truyền thống. Khi kinh tế khấm khá, để thuận lợi cho cuộc sống sinh hoạt gia đình, bà con trong buôn xây thêm nhà bên cạnh, kiên quyết không phá bỏ ngôi nhà truyền thống của đồng bào mình.

Phát huy vốn giá trị văn hóa này, năm 2017, buôn Tring là một trong 10 buôn làng truyền thống được tỉnh đồng ý đầu tư xây dựng buôn du lịch cộng đồng. Theo đó, buôn Tring sẽ được hỗ trợ đầu tư xây  dựng thành điểm đến du lịch cộng đồng với nét đẹp văn hóa về cồng chiêng, lễ hội dân gian được gìn giữ và bảo tồn cũng như nghề dệt thổ cẩm truyền thống được tập trung khôi phục, mở rộng… Bên cạnh đó, buôn cũng tôn tạo cảnh quan môi trường,  trồng hoa, cây cảnh… nhằm thu hút du khách tham quan và trải nghiệm.

Rừng thông buôn Tring đang được chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư trở thành điểm du lịch sinh thái.
Rừng thông buôn Tring đang được chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư trở thành điểm du lịch sinh thái.

Bên cạnh tiềm năng về du lịch văn hóa, buôn Tring còn có 3,3 ha rừng thông nằm bên hồ Ea H’ră tạo cảnh quan thơ mộng, phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái, picnic thư giãn cuối tuần. Khu rừng này đang được địa phương khảo sát, kêu gọi đầu tư làm du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng.

Cùng với tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái ở Buôn Hồ cũng được chính quyền địa phương nơi đây chú trọng khai thác: thác Drai Ega buôn Tring thuộc địa phận xã Ea Blang và phường An Lạc, khu du lịch sinh thái Đèo Hà Lan ở phường Bình Tân. Không như các con thác hùng vĩ khác ở Đắk Lắk, thác Drai Ega hiền hòa hơn, gắn liền với nhiều huyền thoại, sự kiện lịch sử, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân tại buôn Tring. Năm 2013, thác đã được công nhận là di tích cấp tỉnh, chính quyền địa phương nơi đây đã khoanh vùng bảo vệ, đồng thời kêu gọi đầu tư để Drai Êga trở thành một địa điểm du lịch đẹp của tỉnh. Đối với khu du lịch sinh thái Đèo Hà Lan có quy mô dự án khoảng 218 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng, thị xã đã đề ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn của địa phương.

Rừng thông bên hồ Ea H’ră, một cảnh quan thơ mộng ở thị xã Buôn Hồ.
Rừng thông bên hồ Ea H’ră, một cảnh quan thơ mộng ở thị xã Buôn Hồ.

Bà Nhữ Thị Lệ, Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thị xã cho biết, để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, giai đoạn 2017 - 2020 thị xã tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường du lịch; xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước về du lịch. Các giải pháp đang được chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện gồm: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch; đa dạng hóa sản phẩm, chương trình du lịch; bảo vệ, tôn tạo môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững; xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư và tăng cường quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương.

Giai đoạn 2017 - 2020, thị xã Buôn Hồ tập trung phát triển các loại hình du lịch gồm: du lịch văn hóa  với việc hỗ trợ đầu tư phát triển các câu lạc bộ đàn Tính, hát Then, du lịch cộng đồng tại các buôn đồng bào các dân tộc Êđê, Tày, Nùng cũng như bảo tồn và phát huy một số lễ hội tiêu biểu (Lễ hội dân gian văn hóa Hảng Pồ của dân tộc Tày – Nùng, Lễ cúng bến nước, Lễ ăn cơm mới, Lễ bỏ mả của đồng bào Êđê); du lịch sinh thái với thác Dray Êga, buôn Tring 2, bến nước buôn Klia, Khu du lịch sinh thái Đèo Hà Lan; du lịch làng nghề  gắn với khôi phục lại làng nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần tại Buôn Tring 1,2,3…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.