Multimedia Đọc Báo in

Cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng cây sachi

08:39, 16/10/2018

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Cư Huê (huyện Ea Kar) đã chọn trồng cây sachi trên những diện tích tiêu chết hay cà phê già cỗi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (thôn Ea Cung) được xem là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sachi trên địa bàn xã. Trước đây, gia đình bà Hậu có 6 sào đất trồng cà phê rồi trồng tiêu nhưng đều không mang lại hiệu quả. Đang loay hoay không biết chuyển đổi cây trồng nào cho phù hợp thì qua lời giới thiệu của một công ty, bà Hậu biết đến cây sachi. Tháng 6-2017, bà Hậu đã quyết định cải tạo và chuyển đổi diện tích đất này sang trồng 800 cây sachi. Bà Hậu tận dụng những trụ tiêu trước đó để cho sachi leo, nên chi phí đầu tư chỉ tốn từ 2 - 3 triệu đồng/sào. Trong suốt thời gian cây sinh trưởng và phát triển, bà Hậu thường xuyên bấm ngọn cho cây ra nhánh đồng thời tiến hành tỉa cành để tạo giàn cho cây.

 Sau 4 tháng trồng và chăm sóc, sachi đã bắt đầu ra hoa và đến tháng thứ 8 là cho thu hoạch. Lứa đầu tiên, bà thu được 5 tạ quả khô, với giá bán từ 90 - 100.000 đồng/kg quả khô đã giúp bà thu hồi vốn và bắt đầu có lời. Hiện tại vườn sachi của gia đình bà Hậu đang bước vào vụ thu hoạch thứ hai, ước tính sản lượng đạt 1 tấn quả khô.

Cán bộ nông nghiệp (bìa phải) thăm vườn sachi của gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (thôn Ea Cung, xã Cư Huê, huyện Ea Kar).
Cán bộ nông nghiệp (bìa phải) thăm vườn sachi của gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (thôn Ea Cung, xã Cư Huê, huyện Ea Kar).

Thấy trồng cây sacchi chi phí đầu tư, chăm sóc ít hơn so với cà phê, tiêu nhưng hiệu quả mang lại cao hơn nên bà Hậu đã ươm giống và tiếp tục trồng thêm 200 cây sachi nữa trong vườn nhà. Theo bà Hậu, sachi là loại cây không đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng, sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần bón một ít phân vi sinh (1 tạ phân/ha) cho cây để tăng năng suất và chất lượng hạt.

Cũng như bà Hậu, toàn bộ 1 ha đất tiêu chết vì sâu bệnh và ngập úng của gia đình đã được anh Nguyễn Tất Biên (thôn Sơn Lộc) thay thế bằng 1.000 cây sachi. Anh Biên đã đào hệ thống rãnh thoát nước xung quanh vườn cây để tránh ngập úng. Với 300 cây sachi đã bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 3-2018, đến thời điểm hiện tại đã giúp anh thu lãi gần 30 triệu đồng. Hiện nay cứ cách 1 ngày, anh Biên lại thu một lượt được 30 kg quả khô, có lái buôn vào tận nhà mua với giá 40.000 đồng/kg, giúp anh có tiền tươi mỗi ngày. Anh Biên cho biết: “Sachi ra hoa và tạo quả liên tục, có thời gian khai thác từ 10 - 20 năm. Quả chín khô trên cây nhưng không hề rụng nên không bắt buộc người trồng phải thu hoạch ngay”.

Nhận thấy cây sachi  phát triển nhanh, có khả năng chịu hạn tốt lại ít sâu bệnh dù trồng trên những trụ tiêu đã chết hay đất cũ bạc màu nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cư Huê đã đổ xô mua giống sachi về trồng.

Quả sachi được người dân phơi khô.
Quả sachi được người dân phơi khô.

Theo tìm hiểu, người dân xã Cư Huê biết đến cây sachi từ khi Công ty Công nghệ mới (trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh) tiến hành khảo sát và triển khai dự án trồng thí điểm cho 10 hộ dân trên địa bàn xã, với diện tích 3 ha. Từ tháng 2-2017, Công ty đã ký kết hợp đồng cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và nhận bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm là 60.000 đồng/kg hạt cho bà con thuộc dự án. Tuy nhiên, khi sachi bắt đầu cho thu hoạch thì người trồng lại phá vỡ hợp đồng, không bán hạt cho Công ty như đã cam kết mà chọn bán quả khô cho các thương lái vì cho rằng giá thu mua của Công ty thấp hơn nhiều so với thị trường.

Ông Nguyễn Văn Non, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Huê cho biết, sachi được xem là cây trồng mới tại địa phương, bước đầu cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và đem lại cho người dân nguồn thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên đầu ra của sản phẩm đang phụ thuộc vào sức mua của thương lái, giá cả lại biến động liên tục nên chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên mở rộng diện tích ồ ạt khi chưa có đầu ra ổn định, tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Hiện xã Cư Huê có khoảng 15 ha sachi được trồng chủ yếu trên những diện tích tiêu chết và cà phê già cỗi, tập trung tại các thôn: Ea Cung, Sơn Lộc, Đồng Tâm và Hợp Thành. Được biết, toàn bộ diện tích sachi này đều được người dân bán cho các lái buôn với giá hiện tại là 50 - 70.000 đồng/kg quả khô nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.