Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở Ea Hu

08:57, 03/10/2018

Xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) có 2.253 hộ với 10.297 khẩu gồm 10 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 8 thôn, trong đó có thôn 5 và thôn 6 là hai thôn đặc biệt khó khăn. Ea Hu là xã thuần nông, đất đai bạc màu, chủ yếu là sản xuất lúa nước.

Để công tác giảm nghèo của xã thực hiện có hiệu quả và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, hằng năm cấp ủy đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã đến từng thôn, hộ gia đình rà soát, tìm hiểu nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình.

Chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay, xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gần 2.000 hội viên vay 33 tỷ đồng vốn phát triển kinh tế. Các nguồn vốn đều được các hộ gia đình sử dụng hiệu quả, đúng mục đích như đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế, mua sắm trang thiết bị, công cụ sản xuất, mở thêm ngành nghề…, do vậy đã tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ. Hội Nông dân xã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức 12 lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng vật nuôi; hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức lớp chăn nuôi thú y cho 35 lao động nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Chuyên (thôn 6, xã Ea Hu, Cư Kuin) trong vườn nhãn sai trĩu quả của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Chuyên (thôn 6, xã Ea Hu, Cư Kuin) trong vườn nhãn sai trĩu quả của gia đình.

Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Ea Hu đã giảm đáng kể, toàn xã còn 145 hộ nghèo (tỷ lệ hơn 6,4%), thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm; xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.

Với nhiều hình thức, biện pháp hỗ trợ, nhiều hộ đã triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả. Có thể minh chứng như mô hình trồng nhãn lồng của gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên (thôn 6) cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm đang trở thành điển hình để các hộ dân ở thôn 5, thôn 6 học tập, đẩy mạnh phát triển cây nhãn lồng ở địa phương. Chị Chuyên bắt đầu trồng nhãn lồng từ năm 2013 với quy mô 400 cây giống trên diện tích 0,5 ha đất sỏi vốn trồng cà phê cho năng suất thấp. Nhận thấy việc trồng nhãn khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao, cây nhãn phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, đến năm 2014 chị quyết định mua thêm 300 cây nhãn về trồng thêm. Vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay vườn nhãn của gia đình chị đã có 700 cây, trong đó có 400 cây cho thu hoạch năm đầu tiên. Mùa nhãn này, gia đình chị thu về gần 11 tấn quả, được thương lái mua tại vườn với giá bán 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí có lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn so với trồng cà phê trước đây. 

Chị Nguyễn Thị Hà chăm sóc đàn gia cầm.
Chị Nguyễn Thị Hà chăm sóc đàn gia cầm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà (cũng ở thôn 6) là một điển hình trong phát triển kinh tế từ mô hình vườn ao chuồng ở địa phương. Sau nhiều năm trồng cà phê nhưng năng suất thấp, thu nhập không cao, năm 2005 gia đình chị chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. Sau 5 năm chăm sóc, mỗi năm nay đình chị thu về từ 5 - 6 tấn tiêu đen. Có vốn tích lũy từ hồ tiêu, chị Hà mua thêm 7 sào cà phê, gần 6 sào ruộng, nuôi 200 con vịt đẻ trứng, 70 con bồ câu, 100 con gà, 500 m2 ao cá, 2 con bò… Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, cây – con do gia đình chị chăm sóc phát triển tốt, mang lại cho chị nguồn thu nhập gần 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc