Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân làm giàu

08:34, 02/10/2018

Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay qua Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân huyện Krông Pắc đã giúp nhiều hội viên có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ ngày càng phát triển.

Tiếp sức cho nông hộ

Tháng 11 năm 2015, Hội Nông dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) đã đứng ra tín chấp với Ban Quản lý Quỹ HTND tỉnh vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ HTND Trung ương để giúp 15 thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi Hữu Lợi (THT) thực hiện dự án nuôi bò vỗ béo. Lúc mới thành lập, tổng đàn bò của THT là 19 con, sau khi được vay vốn để nhân rộng đàn, đến năm 2017, số lượng bò tăng lên 43 con. Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, các thành viên đã xuất bán được 1,35 tỷ đồng, thu về lợi nhuận hơn 292 triệu đồng. Sau khi hoàn trả nguồn vốn vay, đầu năm 2018, THT được Hội Nông dân huyện cho vay thêm 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND của huyện để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Cán bộ Hội Nông dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) kiểm tra tiến độ thực hiện dự án nuôi bò vỗ béo.
Cán bộ Hội Nông dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) kiểm tra tiến độ thực hiện dự án nuôi bò vỗ béo.

Ông Nguyễn Kim Tần, Tổ trưởng THT cho hay, từ quá trình chăn nuôi bò theo phương pháp truyền thống chuyển sang chăn nuôi bò vỗ béo, các thành viên THT được tiếp cận nhiều giống bò có chất lượng tốt, lợi nhuận kinh tế từ đàn bò được tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, các thành viên còn được tham gia các chương trình tập huấn do Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức. Nhờ đó cá nhân ông cũng như các thành viên trong tổ đã tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi như: chọn giống bò tốt, phù hợp, cách chăm sóc, phòng bệnh cho bò…

Với 1 ha cà phê già cỗi cho năng suất thấp, ông Lê Ngọc Phong ở thôn Tân Hòa 2 (xã Ea Knuếk) luôn mong muốn được cải tạo lại vườn và trồng xen thêm hồ tiêu để tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2017, sau khi tìm hiểu thông tin và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện, ông Phong đã quyết định thay diện tích cà phê già cỗi bằng giống cà phê ghép; đồng thời trồng thêm gần 300 cây muồng để làm trụ sống trồng hồ tiêu. Được cán bộ Hội hướng dẫn đầy đủ kỹ thuật trồng xen hồ tiêu vào vườn cà phê, ông Phong tự tin khẳng định chỉ khoảng 2 năm nữa, gia đình ông sẽ có nguồn thu ổn định từ mô hình này.

Theo Đề án "Phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Krông Pắc giai đoạn 2016 – 2020”, mỗi năm Quỹ tăng trưởng từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện sẽ bổ sung 500 triệu đồng/năm.

Ông Phong là 1 trong số 10 hộ dân ở thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuếk tham gia Dự án "Trồng xen cây hồ tiêu vào vườn cà phê" và được vay vốn từ Quỹ HTND huyện. Được biết, 10 thành viên tham gia dự án được vay 50 triệu đồng/hộ với thời hạn 36 tháng, lãi suất 0,7%/tháng.

Phát huy hiệu quả nguồn quỹ

Qua nhiều năm triển khai, Quỹ HTND đã trở thành nguồn lực thiết thực, bước đầu đáp ứng nguyện vọng, tháo gỡ kịp thời một phần nhu cầu về vốn cho hội viên, nông dân đầu tư sản xuất. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2012-2018, Huyện Hội nhận 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác cho vay, triển khai thực hiện 4 dự án chăn nuôi bò, với 47 hộ hội viên nông dân tham gia. Riêng nguồn vốn của Quỹ HTND huyện là 750 triệu đồng; trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 700 triệu đồng, số còn lại vận động từ cán bộ, hội viên nông dân, đang triển khai thực hiện 2 dự án, với 23 hộ hội viên nông dân tham gia. Các dự án triển khai đều được xây dựng và thẩm định dựa trên nhu cầu thị trường, khả năng của gia đình hội viên và tình hình thực tế của địa phương; hoạt động đúng mục đích, bước đầu đem lại hiệu quả, trở thành những mô hình điểm về sản xuất để nông dân học tập nhân rộng.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Hữu Lợi (xã Hòa An, huyện Krông Pắc).
Mô hình nuôi bò vỗ béo của thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Hữu Lợi (xã Hòa An, huyện Krông Pắc).

Có thể khẳng định, Quỹ HTND đã thực sự góp phần hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân trên địa bàn huyện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Để nguồn quỹ tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của nguồn quỹ này đối với người nông dân; huy động nhiều nguồn lực gây quỹ giúp nhiều nông hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi; đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Vân Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.