Ea Ral điểm sáng về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Với lợi thế về địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) là một trong những điểm sáng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Xã Ea Ral có trên 6.000 ha đất nông nghiệp, trong đó cà phê 4.150 ha, hồ tiêu 545 ha, cao su 882 ha, hơn 400 ha cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày… Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, hằng năm Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị mở từ 8 - 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, giới thiệu các loại giống cây trồng, vật nuôi mới cho nông dân. Đồng thời tín chấp cho hơn 600 hội viên nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng; xây dựng các nguồn quỹ hội giúp các hộ khó khăn, hỗ trợ cấp giống cây trồng tái canh…
Vườn vải thiều xanh tốt được chuyển đổi từ diện tích cà phê già cỗi của anh Trần Văn Nhiệm ở thôn 8 (xã Ea Ral). |
Toàn xã có 5 mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp, 2 mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và hàng trăm mô hình áp dụng xen canh, đa cây, đa con hiệu quả. Với nhiều hình thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đến nay đã có gần 4.000 ha đạt giá trị sản xuất bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. |
Gia đình anh Trần Văn Nhiệm ở thôn 8 là một điển hình về chuyển đổi cây trồng ở địa phương. Năm 2014, qua các buổi tập huấn và nhiều lần đi học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, anh Nhiệm nhận thấy một số loại cây ăn quả khá phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, nên vợ chồng anh quyết định phá bỏ 2 ha cà phê đã già cỗi, cải tạo lại đất để trồng 300 cây vải giống u hồng. Anh Nhiệm chia sẻ: "Trồng cây ăn quả chỉ tốn công chăm sóc thời gian đầu, sau 3 - 4 năm trở đi công chăm sóc giảm dần và cây bắt đầu cho thu hoạch. Để cây vải phát triển tốt, cho quả sai, mọng nước và ngọt, tôi luôn chú trọng kỹ thuật chăm sóc từ khâu vun gốc, tỉa cành, tưới nước đúng thời điểm, liều lượng; sử dụng phân bón sinh học vừa tốt cho đất, hạn chế sâu bệnh hại. Nhờ vậy, vụ vải vừa qua đã cho thu bói gần 10 tấn quả, chất lượng bảo đảm được thương lái ưa chuộng".
Hay như hộ chị Phan Thị Mộng Điệp ở thôn 8, ngoài diện tích 2 ha trồng cây cà phê xen hồ tiêu, chị đã mạnh dạn mở rộng chăn nuôi để cải thiện nguồn thu nhập. Chị Điệp chia sẻ, đầu năm 2017, từ nguồn vốn 30 triệu đồng vay của Hội Nông dân xã, chị đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại 200 m2 nuôi 30 con heo thịt và 1 con heo nái. Để bảo đảm đàn heo khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, chị chủ động nhập giống heo đã qua kiểm định của một công ty ở Đồng Nai về nuôi. Song song đó, chị tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại để thả nuôi 200 con gà ta. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, thực hiện vệ sinh chuồng trại hằng ngày, dùng vắc xin phòng bệnh đầy đủ nên đàn heo, gà của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện mỗi năm gia đình chị xuất 4 lứa heo, 2 lứa gà, cùng với trồng trọt đem lại thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi heo cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Phan Thị Mộng Điệp ở thôn 8 (xã Ea Ral). |
Có thể khẳng định nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà đời sống của người dân cũng như kinh tế - xã hội của xã Ea Ral đã có những bước tiến. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 chỉ còn 3%. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động, giới thiệu các cách làm hay, gương sản xuất giỏi để động viên nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn, góp phần hình thành những sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc