Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Bước tiến trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

14:20, 10/10/2018

Cuối năm 2016 Đảng bộ huyện Krông Bông đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 – 2020. Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 04, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có những chuyển biến đáng kể.

Ngay sau khi Nghị quyết 04-NQ/HU được ban hành, công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện đã được các cấp ủy đảng, cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở hết sức quan tâm. Hằng năm, ngoài việc lồng ghép triển khai Nghị quyết 04 vào các chương trình, dự án trên địa bàn huyện, UBND huyện Krông Bông đã bố trí kinh phí khoảng 1 tỷ đồng cho công tác khuyến nông, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện đã đưa các giống ngô lai mới của Syngenta cho năng suất vượt trội vào trồng thay thế các loại giống cũ năng suất thấp như: NK 6326, NK 7328, NK6410, NK 6654…

Mô hình trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình bà Nguyễn Thị Hiệp (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông).
Mô hình trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình bà Nguyễn Thị Hiệp (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông).

Vụ hè thu năm 2017, UBND huyện đã kêu gọi và cho chủ trương để Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương và Công ty Cổ phần giống cây Miền Nam liên kết với nông dân xã Hòa Tân sản xuất 280 ha ngô giống F1; áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ do các công ty hướng dẫn, giám sát từ khâu làm đất, cách ly cho đến khi thu hoạch, kết quả cho lợi nhuận rất cao, đạt 47 triệu đồng/ha (đã trừ chi phí); năm 2018, tiếp tục triển khai 350 ha giống  ngô F1 LVN 10 tại xã Hòa Tân. Đối với cây mía, hiện nay trên địa bàn huyện có 908 ha mía giống mới cho năng suất, chất lượng cao, thay thế hoàn toàn các giống mía cũ trước đây, qua đó giúp sản lượng mía tăng thêm 40% so với giống cũ. Huyện Krông Bông cũng đã có 6.467 ha sắn công nghiệp cao sản, giống sắn chủ yếu là KM 94, KM 140. Đặc biệt, trong thời gian qua, cây dứa được đưa vào trồng khá phổ biến và tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Cư Đrăm, Yang Mao, Cư Pui với diện tích 324 ha, trong đó có khoảng 245 ha đã cho thu hoạch. Cây dứa rất thích hợp ở những diện tích đồi dốc, phát triển tốt và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu giải quyết được đầu ra cho sản phẩm.

Hai cái khó lớn nhất làm hạn chế kết quả, dẫn đến thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua ở huyện Krông Bông vẫn chủ yếu thực hiện trên quy mô nhỏ lẻ đó là thị trường tiêu thụ và nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động nông thôn.

Ngoài ra, nông dân trên địa bàn cũng đã mạnh dạn chuyển đổi một số loại cây ăn quả và bước đầu cho thấy kết quả khả quan như cây vải thiều, hiện có khoảng 25 ha, trong đó 5 ha đã cho thu hoạch. Các loại cây có múi (cam, bưởi, quýt) hiện có khoảng 30 ha, tập trung tại xã Cư Kty và 4 xã cánh đông. Cây chanh dây với diện tích khoảng 6,3 ha, tập trung tại các xã Hòa Sơn, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm với thu nhập cao hơn nhiều so với cây trồng khác trên cùng một diện tích. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn một số mô hình như chuối nuôi cấy mô, mãng cầu xiêm, dưa hấu… đang hứa hẹn mang lại kết quả khả quan. Năm 2017, một số hộ dân tại các xã Cư Đrăm, Hòa Phong và Yang Reh đã liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm với quy mô 2,5 ha; hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Khuyến nông huyện đang theo dõi khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế để xây dựng mô hình cho các địa phương khác.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; từ năm 2010 đến 2018 đã phối giống tinh bò ngoại như: lai Zebu, Brahman và cho ra đời trên 4.000 con bò lai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra toàn bộ đàn lợn đực giống trên địa bàn, qua đó tuyển chọn đàn lợn đực giống siêu nạc có chất lượng cao, bấm số tai, theo dõi và cho phối giống.

Thanh Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.