Multimedia Đọc Báo in

Ngành ngân hàng trước áp lực tăng trưởng

09:12, 09/10/2018

Thời gian thực hiện kế hoạch năm 2018 đã đi hết hơn ¾ quãng đường, thế nhưng các chỉ số tăng trưởng của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh không thực sự khả quan so với mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), cả tăng trưởng huy động vốn, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Ngoài ra, mức tăng trưởng huy động cũng như tín dụng 9 tháng còn cách xa con số dự kiến cho cả năm.

Cụ thể, tính đến ngày 30-9, doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 69.700 tỷ đồng, bằng 68,2% của năm 2017, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đến nay tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 85.800 tỷ đồng, tăng 8,29% so với đầu năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 8,29%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2017 (12,6%); trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 6,0%, ngân hàng thương mại cổ phần tăng 12,92%, ngân hàng Chính sách xã hội tăng 6,8%, khối quỹ tín dụng nhân dân giảm 0,6%. Một số chi nhánh ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh như Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) giảm 5,49%; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giảm 20,55%; Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) giảm 1,87%; Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Lắk tăng 2,27%, Agribank Chi nhánh Bắc Đăk Lăk tăng 5,79%, Ngân hàng TMCP Công thương (Viettinbank) Chi nhánh Đắk Lắk tăng 3,86%; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bắc Đăk Lăk tăng 3,75%; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh Đắk Lắk tăng 5,73%...

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Đăk Lăk.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Đăk Lăk.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm, nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và gắn với tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh; dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp tăng 9,22% so với đầu năm, dư nợ cho vay ngành thương mại dịch vụ tăng 10,07%.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và không đạt được kết quả như kế hoạch đề ra. Tổng nguồn vốn huy động đến ngày 30-9 đạt 42.530 tỷ đồng, tăng 5,97% (tăng 2.395 tỷ đồng) so với đầu năm, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn trên 12 tháng 13.567 tỷ đồng, chiếm 31,9% nguồn vốn huy động, tăng 18,49% so với đầu năm; huy động vốn từ tiền gửi trên địa bàn đạt 42.102 tỷ đồng, chiếm 99% nguồn vốn huy động, tăng 7,25% so với đầu năm; tăng 8,87% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn toàn địa bàn chỉ đạt mức tăng 5,97%; thấp hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2017 (12,9%). Phó Giám đốc NHNN Nguyễn Kim Cương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm là do giá cả một số nông sản chủ lực của tỉnh (nhất là tiêu hạt, cà phê) giảm mạnh (riêng sản lượng hồ tiêu thu hoạch vụ 2017-2018 giảm 40 – 50%), ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập và tích lũy của người dân. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay trở nên cực kỳ sôi động cũng thu hút một lượng vốn nhàn rỗi đáng kể từ khu vực dân cư tham gia.

Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng hết “chiêu” để thúc đẩy tăng trưởng như hạ lãi suất cho vay bằng các chương trình tín dụng ưu đãi riêng biệt; thu hút tiền gửi thông qua các chương trình khuyến mãi, cộng thêm lãi suất… Thế nhưng với tín hiệu thị trường như hiện nay, việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng, nhất là tăng trưởng huy động vốn là rất khó đạt được.

                                                    Giang Nam


Ý kiến bạn đọc