Nghịch lý chợ Băng Adrênh
Chợ Băng Adrênh được đầu tư xây dựng từ năm 2005 trên địa bàn thôn 2 (xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) có diện tích 10.200 m2 với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Thời gian đầu có hơn 30 hộ đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động, chợ bị bỏ hoang đến nay.
Theo quan sát, nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp. Hiện nay chợ được những người dân sống chung quanh tận dụng làm sân phơi hàng hóa, nông sản. Ông Đào Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Băng Adrênh cho biết, sở dĩ chợ trung tâm xã không thu hút được tiểu thương vào kinh doanh buôn bán là do việc quy hoạch chợ thiếu khoa học. Chợ nằm khuất bên trong nên không thuận tiện cho nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân.
Chợ Băng Adrênh bị bỏ hoang. |
Trong khi đó, trái ngược với sự hoang tàn, đìu hiu của chợ xã thì cách đó không xa là một chợ tạm lại luôn tấp nập người mua bán. Các mặt hàng như thịt, cá, rau… được bày bán dọc 2 bên đường, thậm chí một số người còn tràn xuống lòng đường khiến giao thông khu vực này vô cùng hỗn loạn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và gây mất mỹ quan.
Ông Nguyễn Hữu Lập, một tiểu thương buôn bán rau ở chợ tạm giãi bày: "Vẫn biết kinh doanh ngoài đường là vi phạm, nhưng bán ngoài đường còn có khách hỏi mua chứ vào trong chợ ế ẩm lắm, ngồi suốt cả ngày chẳng bán được đồng nào. Tôi chấp nhận mất tiền lô, bỏ chợ ra ngoài buôn bán". Còn chị Nguyễn Thị Hoa, người dân sống gần chợ thì cho rằng do lượng tiểu thương ít, hàng hóa không phong phú nên sau vài lần vào chợ không mua được hàng nên phải ra chợ tạm để mua sắm.
Bất chấp nguy hiểm các tiểu thương vẫn buôn bán ở chợ tạm. |
Ông Đào Quốc Khánh cho hay, UBND xã đã nhiều lần vận động tiểu thương vào chợ mới buôn bán mà không phải đóng bất kỳ một loại phí nào, đồng thời vận động các đảng viên, cán bộ, công chức không ra chợ tạm mua hàng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn kết hợp với lực lượng chức năng ra quân dẹp chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, do một số tiểu thương buôn bán nhờ trong khuôn viên gia đình người dân nên việc xử lý rất khó khăn.
“Trước thực trạng hệ thống chợ xây xong bỏ hoang, UBND xã đã mời gọi đầu tư nâng cấp, sửa chữa và quản lý theo hình thức xã hội hóa. Hiện nay, UBND huyện đã làm tờ trình gửi Sở Tài chính xin thẩm định giá và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để chuyển mô hình quản lý chợ sang cho Hợp tác xã dịch vụ Thành Đạt nhằm quản lý, khai thác và sử dụng chợ hiệu quả” - ông Đào Quốc Khánh cho biết thêm.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc