Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở M'Đrắk

08:37, 22/10/2018

Cây sắn được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện M’Đrắk với diện tích bình quân hằng năm trên 5.000 ha, đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh quyết định đầu tư hai nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, suốt thời gian dài vừa qua, các nhà máy này phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Cây sắn đã trở thành loại cây trồng chiếm diện tích lớn, chỉ đứng sau ngô và mía tại huyện M’Đrắk, được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có 3.360 ha sắn, năng suất 25,5 tấn/ha, sản lượng trên 85.854 tấn, thì đến năm 2018, huyện M’Đrắk có đến 5.565 ha sắn, tổng sản lượng ước đạt 189.440 tấn (trong đó, xã Krông Jing 1.150 ha, Cư Prao 700 ha, Cư San 635 ha, Ea Pil 600 ha; Cư Króa và Cư Mta, mỗi xã 500 ha; Krông Á 410 ha; Ea Trang, Ea M'doal, mỗi xã 400 ha; các địa phương còn lại dao động từ 10 - 30 ha). Riêng vụ hè thu 2018, toàn huyện xuống giống trên 4.458 ha sắn, đạt 112,6% kế hoạch. Với hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số, sắn cũng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính, thậm chí là duy nhất.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương (xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 9 nhưng chỉ đạt 70-80% công suất thiết kế.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương (xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 9 nhưng chỉ đạt 70-80% công suất thiết kế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù diện tích rất lớn và không ngừng mở rộng, vượt xa so với kế hoạch sản xuất hằng năm nhưng năng suất sắn tại huyện M’Đrắk không cao, chỉ đạt trên 25 tấn/ha (năm 2017) đến 34 tấn/ha (năm 2018), thậm chí chỉ đạt 15 - 20 tấn/ha ở những khu vực trồng sắn ba vụ liên tiếp trở lên. Không chỉ năng suất thấp, giá bán củ sắn truyền thống cũng thấp bởi trữ bột kém, có thời điểm giá sắn chỉ từ 1.380 đồng/kg tươi (loại 30% trữ bột), thiếu 1% trữ bột giá hạ xuống còn khoảng 1.000 đồng/kg (thời điểm tháng 5-2017), tức là giảm 300 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016. Với mức giá này, người nông dân gần như không có lãi. Ông Bùi Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Cư Mta, cho biết: Hầu hết diện tích sắn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do không mất chi phí giống nên bà con không chú trọng đến việc lựa chọn giống mới, năng suất cao thay thế cho các giống sắn cũ; lại trồng trên đất nghèo kiệt về dinh dưỡng, chưa được đầu tư chăm sóc, bón phân, làm cỏ nên năng suất không ổn định, phổ biến chỉ đạt từ 15 - 25 tấn/ha. Ngoài ra, giá sắn được định theo hàm lượng tinh bột, trong khi người dân thường nóng vội thu hoạch sắn non để có tiền nên thường bị thương lái ép giá.

 

“Trên quan điểm phát triển sản xuất tinh bột sắn gắn kết với vùng nguyên liệu, quy hoạch tập trung đất, thâm canh tăng năng suất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện M’Đrắk không tăng thêm diện tích đất trồng sắn để tránh làm bạc màu đất và bảo đảm môi trường trên địa bàn huyện”. 

 
 
Ông Hòa Quang Khiêm,Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk

Trên cơ sở diện tích đất hiện trạng đang trồng sắn, năm 2015 UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng hai nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các xã Krông Á và Krông Jing, mỗi nhà máy có công suất 20 nghìn tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 60 tỷ đồng, lần lượt đi vào hoạt động vào cuối 2016 và đầu 2017. Tuy nhiên từ đầu tháng 5-2018, hai nhà máy này đều phải tạm dừng hoạt động dài hạn, còn trước đó cũng chỉ hoạt động khoảng 50% công suất do thiếu nguyên liệu. Để giải quyết phần nào vấn đề thiếu nguyên liệu, nhà máy phải triển khai thu mua sắn ở một số khu vực trong và ngoài tỉnh, nhưng sản lượng thu mua không được nhiều, do chi phí vận chuyển làm đội giá nguyên liệu đầu vào. Theo ông Lê Quốc Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương, do những hạn chế về kỹ thuật canh tác nên sản lượng sắn đạt thấp, gây khó khăn trong vấn đề nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột sắn của nhà máy. Bên cạnh đó, việc trồng sắn chủ yếu vẫn phát triển tự phát, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sâu với số lượng lớn và máy móc, dây chuyền hiện đại. Ông Tú cho biết thêm: "Hiện nay, mỗi ngày nhà máy thu mua từ 400 - 450 tấn nguyên liệu, nhưng chỉ đáp ứng 70 - 80% công suất thiết kế. Nguyên liệu chủ yếu thu mua từ các tỉnh Gia Lai, Phú Yên...; còn lại của địa phương chỉ chiếm chưa đến 10%".

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện M’Đrắk đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tổ chức cho bảy nông dân các xã Krông Á, Krông Jing và Cư Mta đi tham quan mô hình trồng sắn theo phương pháp mới (lên luống và đặt hom trồng đứng) tại tỉnh Gia Lai; phối hợp với Dự án trồng sắn Trường Đại học Tây Nguyên và Nhà máy sắn Khánh Dương tổ chức tọa đàm về sản xuất kinh doanh cây sắn cho 125 nông dân các xã và thị trấn tham gia; xây dựng các mô hình trồng sắn giống cao sản... Tuy nhiên, việc thực hiện nhìn chung mới ở dạng mô hình, chưa phát triển quy mô rộng.

Nguồn nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương (xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) được thu mua chủ yếu từ các tỉnh Gia Lai, Phú Yên...
Nguồn nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương (xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) được thu mua chủ yếu từ các tỉnh Gia Lai, Phú Yên...

Thiết nghĩ, với điều kiện thuận lợi của huyện M'Đrắk là diện tích cây sắn dồi dào và hai nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động tại địa phương, yêu cầu đặt ra là đẩy mạnh hỗ trợ, tăng cường vận động người dân nỗ lực thực hiện các biện pháp thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện trồng theo phương pháp mới, hình thức rải vụ để nâng cao năng suất cây sắn, tránh tình trạng nguồn cung nguyên liệu lúc thiếu lúc thừa… Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bội tín, bỏ mặc nông dân khi giá cả nông sản tụt dốc hoặc nông dân sẵn sàng phá bỏ quy hoạch để chuyển sang trồng loại cây khác hay bán sản phẩm cho người khác với giá cao hơn…

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.