Multimedia Đọc Báo in

Xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông): Nhiều vườn sầu riêng chết dần

08:34, 02/10/2018

Những năm qua, khi giá mía và cà phê sụt giảm, nhiều nông dân ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đã chuyển hướng sang trồng sầu riêng, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn xã bị bệnh chết mòn, chết dần khiến cho nông dân lo lắng.

Gia đình ông Trần Văn Chín (thôn 10) có hơn 1 ha đất trồng cà phê. Đến năm 2010, ông Chín đã mua giống và trồng xen 35 cây sầu riêng trong vườn cà phê, tỷ lệ sống của sầu riêng đạt khoảng 70%. Sau 4 năm, sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, không hiểu vì lý do gì, dù được chăm sóc rất cẩn thận nhưng sầu riêng vẫn bị bệnh khô ngọn, khô cành chết dần, số lượng sầu riêng trong vườn nhà ông Chín giảm từ 35 cây xuống còn 15 cây; ở những cây còn lại, năm nay lượng quả thu hoạch chỉ đạt 30% so với trước đây.

Tương tự, vợ chồng bà Huỳnh Thị Hồng (thôn 6) cũng trồng xen 30 cây sầu riêng trong vườn cà phê hơn 0,5 ha của gia đình. Những năm đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi cây sầu riêng thu được gần 100 quả/cây, sau khi trừ chi phí, gia đình bà Hồng thu lãi 8 - 9 triệu đồng.  Gần đây, giá sầu riêng tăng cao, nhưng dù được chăm bón kỹ, sầu riêng nhà bà Hồng cứ bị chết ngọn rồi lan xuống thân... Đến nay, vườn nhà bà Hồng chỉ còn khoảng 15 cây sầu riêng, thu nhập giảm đáng kể. Bà Hồng cho hay: “Trước đây sau mỗi vụ sầu riêng, gia đình tôi đều có một khoản tiền tiết kiệm nhưng 3 năm trở lại đây, thu nhập từ bán sầu riêng cũng chỉ đủ chi phí phân bón, thuốc men cho cây”.

Cán bộ nông nghiệp xã Hòa Sơn (phải) kiểm tra tình trạng sầu riêng chết  trong vườn của gia đình bà Huỳnh Thị Hồng (thôn 6).
Cán bộ nông nghiệp xã Hòa Sơn (phải) kiểm tra tình trạng sầu riêng chết trong vườn của gia đình bà Huỳnh Thị Hồng (thôn 6).

Theo kinh nghiệm của một số nông hộ trồng sầu riêng ở xã Hòa Sơn, những diện tích đất vườn có cây sầu riêng chết là do bà con trồng cây trên diện tích đất xám bạc màu; sau một thời gian cây phát triển thì rễ cây “ăn” hết phần đất dinh dưỡng và bắt đầu gặp đất phèn, cây không được cung cấp chất dinh dưỡng nên “chết từ rễ”. Một nguyên nhân khác là do nhiều nông hộ chưa qua tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng dẫn đến lúng túng trong phát hiện dấu hiệu cây bị bệnh, không chữa trị kịp thời cho cây.

Do hiệu quả kinh tế cao nên việc trồng xen canh sầu riêng trong các vườn cà phê đang phát triển mạnh ở Hòa Sơn. Theo ông Nguyễn Ngọc Thảo, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Sơn, toàn xã có khoảng 15 ha sầu riêng trồng xen canh với các loại cây trồng khác, nhiều nhất là trong vườn cà phê; trong đó có khoảng 1,5 ha sầu riêng đã chết. Theo ghi nhận, tình trạng chung ở các vườn sầu riêng là cháy khô lá, chết từ cành xuống gốc, nứt thân, thối cành, xì mủ và có hiện tượng lây lan nhanh. Vì vậy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do tình hình thời tiết thất thường trong những năm gần đây, ngoài ra một số nông hộ do chưa tìm hiểu kỹ về thành phần đất trồng, bởi trồng cây trên những diện tích đất ở vùng trũng thấp không thoát được nước vào mùa mưa dẫn đến cây dễ bị úng thủy thối rễ...

“Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ tham mưu UBND xã Hòa Sơn đề xuất với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cũng như cách phòng, trừ bệnh cho cây sầu riêng cho bà con. Đồng thời khuyến cáo bà con nên trồng các giống cây sầu riêng cao sản, trồng xen với các loại cây khác và trên diện tích đất cao, những vùng triền đồi, núi, không nên trồng ở vùng trũng thấp...”, ông Thảo cho biết.

Trương Mộng Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.