Multimedia Đọc Báo in

Cục Hải quan Đắk Lắk nỗ lực thu ngân sách

09:39, 01/11/2018

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng thu ngân sách nhà nước, ngay từ đầu năm 2018, Cục Hải quan Đắk Lắk đã chủ động bám sát nội dung công tác của ngành, tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và địa phương giao.

Năm 2018 Cục Hải quan Đắk Lắk được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước 580 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu của Tổng cục Hải quan đưa ra là 750 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9, đơn vị đã thu được 606,3 tỷ đồng, đạt 104,53% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, bằng 80,8% chỉ tiêu phấn đấu Tổng cục Hải quan giao, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng doanh nghiệp đăng ký, làm thủ tục tại đơn vị, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu và kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt 236 doanh nghiệp (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng số tờ khai phát sinh gần 12.739 tờ (tăng 11,57%), kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.261,14 triệu USD (tăng 17,54%).

Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng gió HBRE nhập khẩu thiết bị xây dựng nhà máy điện gió.
Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng gió HBRE nhập khẩu thiết bị xây dựng nhà máy điện gió.

Theo Cục Hải quan Đắk Lắk, sở dĩ các chỉ tiêu thực hiện của đơn vị đều tăng mạnh so với cùng kỳ là do đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo phương châm doanh nghiệp là đối tượng phục vụ nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trong 9 tháng, số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt 236 doanh nghiệp (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng số tờ khai phát sinh gần 12.739 tờ (tăng 11,57%), kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.261,14 triệu USD (tăng 17,54%).

Ông Đỗ Văn Hùng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu – Thị trường, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết, việc cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Cụ thể, trước đây muốn xuất khẩu cà phê, doanh nghiệp phải đến trụ sở Hải quan để làm tờ khai, in ra giấy để thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, bến cảng thì hiện tại tất cả các thao tác này đều được thực hiện trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) và hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (VCIS). Nhờ đó hàng hóa chỉ cần vận chuyển đến cảng và thông quan chứ không cần mang theo các hồ sơ, thủ tục bằng giấy kèm theo như trước. Điều này giúp đơn vị chủ động trong quá trình mua bán, giao dịch hàng hóa với đối tác nước ngoài.

Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Ông Lê Văn Nhuận, Cục trưởng Cục Hải quan Đắk Lắk cho biết, để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu được Tổng cục Hải quan giao, trong những tháng cuối năm, Cục tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch trên địa bàn đơn vị quản lý. Đồng thời, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị thuộc; tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế; hỗ trợ, giải đáp kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của người khai hải quan, người nộp thuế. Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 555/CT-TCHQ, ngày 26-1-2018 của Tổng cục Hải quan về nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018 nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh thất thu ngân sách nhà nước; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng, quyết tâm không để phát sinh nợ mới.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.