Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk cần có bộ nhận diện thương hiệu du lịch

15:08, 04/11/2018

UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 8487/UBND-KGVX, ngày 18-10-2018 gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc nâng cao hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Đắk Lắk.

Trong đó có nội dung hết sức quan trọng và cấp bách là giao cho Sở VH-TT-DL phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu trách nghiên cứu, tổ chức và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho ngành “công nghiệp không khói” này trên thị trường du lịch Việt Nam cũng như quốc tế.

 Đây là một yêu cầu, đòi hỏi chính đáng, thể hiện tầm nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch trên địa bàn, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh. Bởi đến nay, ngành du lịch ở đây chưa có biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) chính thức nhằm gây sự chú ý cho du khách, qua đó giúp họ dễ dàng nhận diện thương hiệu du lịch Đắk Lắk. Thực tế này được các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh chia sẻ: Lâu nay, mỗi đơn vị và mỗi điểm đến có cách xúc tiến, quảng bá thương hiệu du lịch  khác nhau, tùy vào tính chất, đặc điểm của sản phẩm từng vùng. Tuy nhiên, nhìn chung thì mức độ nhận diện không cao, chưa hấp dẫn du khách do chưa đồng bộ, thống nhất về mặt đẳng cấp và chuyên nghiệp, vì vậy còn hạn chế trong việc ký kết hợp đồng với đối tác có nhu cầu đến với vùng đất này.

Hát múa dân gian trong Lễ hội đường phố qua các kỳ Festival Cà phê Buôn Ma Thuột là nét đặc trưng  của du lịch Đắk Lắk.
Hát múa dân gian trong Lễ hội đường phố qua các kỳ Festival Cà phê Buôn Ma Thuột là nét đặc trưng của du lịch Đắk Lắk.

Ví như Công ty Du lịch – Thương mại Đam San, thông qua “kênh” riêng của mình, họ đã đến Ôxtrâylia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Và tất nhiên, nói như ông Lê Hoàng Cơ – Tổng Giám đốc Công ty thì những hợp đồng ký kết được với đối tác ở châu lục này không chỉ mang về nguồn lợi cho Đam San, mà cho cả ngành du lịch Đắk Lắk nói chung. Bởi vậy, ngoài thương hiệu của một doanh nghiệp ra, cần có thương hiệu chung và bao trùm cho vùng miền cụ thể, để trên cơ sở đó giúp các đơn vị làm du lịch liên kết, hoặc phân khúc thị trường nhằm tìm kiếm khách hàng, gia tăng chuỗi giá trị kinh tế cho toàn ngành. Ông Cơ cũng như nhiều người khác cho rằng, cần phải có bộ nhận diện thương hiệu du lịch Đắk Lắk rõ ràng, thể hiện qua khẩu hiệu (slogan) và biểu trưng (logo) để không những gây ấn tượng, thu hút du khách, mà còn góp phần định hướng cho các đơn vị kinh doanh du lịch tìm cách cụ thể hóa sinh động mục tiêu mà bộ nhận diện đặt ra.

Được biết, đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở những vùng miền có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đã xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu như một “cam kết” với khách hàng khi họ được các doanh nghiệp đưa đến tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm tại địa phương. Có thể nói bộ nhận diện thương hiệu du lịch là thông điệp cốt lõi, hàm chứa đầy đủ nhất các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội và cảnh quan thiên nhiên của mỗi vùng đất hình thành và kiến tạo nên. Xây dựng được thông điệp ấy chính là tinh lọc ra những cảm xúc khác biệt, đẹp đẽ nhất giúp du khách tận hưởng và thưởng lãm thông qua sản phẩm du lịch cụ thể được tổ chức, thực hiện tại mỗi điểm đến.

Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã có một số tỉnh, thành phố đã xây dựng và công bố bộ nhận diện du lịch cho mình như Đà Nẵng với biểu trưng (logo) là hình ảnh Ngũ Hành Sơn được cách điệu qua 5 khối màu bay bổng, vươn lên trên chân đế vững vàng được bố cục bằng câu slogan vừa ấn tượng, vừa mang tính chất “cam kết” cao – “DANANG Fantasticity” (Đà Nẵng thành phố tuyệt vời). Hoặc như Thừa Thiên – Huế, mới đây vừa công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch và lập tức được du khách chú ý nhờ ý tưởng đưa ra khá độc đáo, mới lạ: “Kinh đô xưa – Trải nghiệm mới” đính kèm logo là một góc Lầu Ngũ phụng trong kinh thành Huế ẩn hiện cùng những nhịp cầu Tràng Tiền nổi tiếng mềm mại, duyên dáng vắt qua dòng Hương Giang thơ mộng...

Như vậy, đã đến lúc Đắk Lắk cần đầu tư, nghiên cứu, tham vấn từ nhiều cơ quan, đơn vị chức năng để sớm có bộ nhận diện thương hiệu cho ngành “công nghiệp không khói” này, góp phần hiện thực hóa lộ trình phát triển du lịch từ nay đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng vai trò động lực thúc đẩy cho cả vùng Tây Nguyên phát triển, trong đó du lịch được xác định là một trong ba trụ cột (cùng với năng lượng sạch và nông nghiệp công nghệ cao) thúc đẩy vùng đất giàu tiềm năng này bứt phá mạnh mẽ theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.   

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.