Đẩy mạnh chống thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Thời gian qua, để quản lý, khai thác nguồn thu và chống thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 01/2016/CT-UBND, ngày 5-4-2016. Việc thực hiện Chỉ thị 01 đã mang lại những kết quả nhất định, mang lại số thu lớn cho ngân sách của tỉnh, nhưng công tác quản lý, khai thác nguồn thu và chống thất thu trong lĩnh vực này vẫn chưa thật sự triệt để.
Theo Cục Thuế tỉnh, trước khi thực hiện Chỉ thị 01, toàn tỉnh có 379 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, với 368 cửa hàng, 1.501 trụ bơm xăng dầu; số lượng xăng dầu bán ra trên thị trường khoảng hơn 104 triệu lít xăng và hơn 92,2 triệu lít dầu mỗi năm; trong đó có 8 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối ngoài tỉnh bán sản phẩm cho các DN bán lẻ trên địa bàn tỉnh, với sản lượng hằng năm hơn 39,8 triệu lít xăng và gần 33,6 triệu lít dầu. Điều đáng nói là lượng xăng dầu của các DN ngoài tỉnh tiêu thụ trên địa bàn Đắk Lắk không được các đơn vị thực hiện kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường tại địa phương. Về số tiền thuế bảo vệ môi trường, năm 2015 (trước khi có Chỉ thị 01), toàn tỉnh thu được hơn 218 tỷ đồng, trong đó Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên nộp trên 214 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu nộp 4,5 tỷ đồng (số thuế nộp cho lượng xăng dầu tiêu thụ tại địa bàn huyện M'Đrắk).
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Cư M'gar kiểm tra tem niêm phong trụ bơm xăng của một doanh nghiệp trên địa bàn. |
Sau khi có Chỉ thị 01của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối ngoài tỉnh có hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó đã có 3 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối ngoài tỉnh thành lập chi nhánh, kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế liên quan tại Đắk Lắk gồm: Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu (PVOIL Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Phú Yên (PVOIL Phú Yên) và Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ.
Mới đây tại Hội nghị đối thoại với DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đại diện PVOIL Vũng Tàu đã chia sẻ thẳng thắn, trước đây PVOIL Vũng Tàu tiếp xúc với ngành Thuế và Quản lý thị trường chủ yếu trên phương diện thanh, kiểm tra chuyên ngành. Do đó, việc đích thân lãnh đạo Cục Thuế Đắk Lắk trực tiếp đến DN để thuyết phục việc mở chi nhánh và nộp thuế bảo vệ môi trường tại địa phương đã cho thấy quyết tâm của ngành Thuế nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung trong việc quản lý, khai thác nguồn thu và chống thất thu ở lĩnh vực này. Với những quyết tâm và hành động cụ thể đó, số thuế bảo vệ môi trường nộp vào ngân sách tỉnh không ngừng tăng theo từng năm.
"Để quản lý, khai thác nguồn thu và chống thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh thuyết phục, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu mối hoạt động và phát triển hoạt động kinh doanh thì các đơn vị bán lẻ cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng hành chia sẻ cùng với địa phương bằng cách mua xăng dầu từ những doanh nghiệp đã mở chi nhánh và kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường tại Đắk Lắk".
Ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh
|
Năm 2016 tăng thêm hơn 114 tỷ đồng (bằng 152% so với năm 2015); năm 2017 tăng thêm gần 48 tỷ đồng (bằng 114% so với năm 2016); 10 tháng năm 2018, tổng thuế bảo vệ môi trường các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối nộp vào ngân sách tỉnh trên 333 tỷ đồng, tăng hơn 17,8 tỷ đồng (bằng 106% so với cùng kỳ năm 2017). Bên cạnh đó, chủ trương yêu cầu DN kinh doanh xăng dầu đầu mối mở chi nhánh và nộp thuế bảo vệ môi trường tại Đắk Lắk cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Tưởng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Thanh Tin (huyện Krông Búk) cho rằng, chủ trương khuyến khích, động viên các DN kinh doanh xăng dầu lấy xăng dầu của các DN đầu mối ngoài tỉnh thực hiện kê khai, nộp thuế bảo vệ mội trường tại Đắk Lắk là cần thiết, bởi nó không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị bán lẻ.
Rõ ràng, hiệu quả mang lại của Chỉ thị 01 là rất lớn, nhưng đến nay công tác quản lý, khai thác nguồn thu và chống thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn chưa triệt để, chưa khai thác đầy đủ nguồn thu cho địa phương. Theo thống kê của ngành Thuế, hiện toàn tỉnh còn khoảng 130 DN kinh doanh xăng dầu mua hàng của các đơn vị đầu mối khác chưa đăng ký nộp thuế bảo vệ môi trường cho tỉnh. Bên cạnh việc thất thu ngân sách địa phương, tình trạng trên còn dẫn đến việc khó quản lý sản lượng, chất lượng xăng dầu trên địa bàn. Chưa kể, xăng dầu nhập lậu do không phải nộp các khoản thuế nên tiền hoa hồng cho người mua rất cao, dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng, thiếu lành mạnh giữa các DN.
Đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản một trường hợp vận chuyển xăng dầu không có hóa đơn trên địa bàn huyện Cư Kuin. |
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, xét trên tổng nguồn thu, thuế bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có ý nghĩa rất lớn với địa phương. Do đó, ngành Thuế cùng các ngành liên quan đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN kinh doanh xăng dầu đầu mối hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ngành liên quan tiếp tục thuyết phục những DN kinh doanh xăng dầu đầu mối còn lại mở chi nhánh và nộp thuế bảo vệ môi trường tại Đắk Lắk; đồng thời sẽ kiên quyết xử lý những DN có hoạt động kinh doanh xăng dầu tại đại phương mà không thực hiện mở chi nhánh và kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc