Multimedia Đọc Báo in

Giáo xứ Kim Phát chung tay xây dựng nông thôn mới

08:44, 24/12/2018

Giáo xứ Kim Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) hiện có hơn 8.000 giáo dân, thuộc 8 giáo họ. Thời gian qua, với tinh thần “yêu thương, phục vụ”, bà con giáo dân đã có những việc làm thiết thực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với mong muốn giúp những hộ khó khăn về nhà ở sớm an cư lạc nghiệp, năm 2016, Giáo xứ Kim Phát đã kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ của bà con giáo dân và các nhà hảo tâm để xây dựng nhà ở cho người nghèo. Từ đó đến nay, Giáo xứ Kim Phát đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng được 44 căn nhà Tình thương, với tổng giá trị gần 1,6 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, giáo xứ đã xây dựng được 10 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn xã Đray Bhăng, mỗi căn nhà trị giá 40 triệu đồng.

Gia đình anh Y Đun Hđơk (buôn H’ra Ea Tlá, xã Đray Bhăng) được Giáo xứ Kim Phát  hỗ trợ  xây dựng nhà  Tình thương.
Gia đình anh Y Đun Hđơk (buôn H’ra Ea Tlá, xã Đray Bhăng) được Giáo xứ Kim Phát hỗ trợ xây dựng nhà Tình thương.
 

“Bà con giáo dân rất vui khi đóng góp một phần nhỏ để chia sẻ khó khăn với người nghèo bằng những ngôi nhà Tình nghĩa hay những phần quà trong các dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, giáo dân cũng tích cực đóng góp tiền của, công sức để cùng địa phương xây dựng đường giao thông, các công trình phúc lợi, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới”.

 

Ông Nguyễn Đức Vượng, giáo dân Giáo xứ Kim Phát

 

Gia đình anh Y Đun Hđơk (buôn H’ra Ea Tlá, xã Đray Bhăng) là một trong những hộ nghèo được Giáo xứ Kim Phát hỗ trợ xây nhà. Hơn 15 năm nay vợ chồng anh cùng với 4 đứa con phải sống cùng với bố mẹ trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, chật chội. Tháng 10 - 2018, gia đình anh được Giáo xứ Kim Phát hỗ trợ đá cùng với 40 triệu đồng để xây dựng căn nhà kiên cố rộng 24 m2. “Nhờ sự góp sức của bà con giáo dân mà gia đình tôi mới có chỗ ở ổn định như ngày hôm nay. Tôi sẽ  cố gắng làm lụng để sớm vươn lên thoát nghèo”, anh Y Đun tâm sự

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, bà con giáo dân đã tích cực hưởng ứng, chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương để xây dựng các công trình dân sinh, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Đơn cử, khi Nhà nước thực hiện chủ trương xây mới và mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã, nội đồng, các hộ giáo dân đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng nhà, hiến đất; đồng thời đóng góp tiền của, ngày công để làm đường. Từ năm 2015 đến nay, bà con đã đóng góp gần 1 tỷ đồng để làm 5 km đường giao thông, giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn.

Trong phát triển kinh tế, bà con Giáo xứ Kim Phát cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đời sống ngày càng được cải thiện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở đây chỉ còn 2,67%.

Một tuyến đường ở thôn Kim Phát được làm từ sự đóng góp của bà con giáo dân.
Một tuyến đường ở thôn Kim Phát được làm từ sự đóng góp của bà con giáo dân.

 Ông Trần Văn Nhật, Thư ký Hội đồng Giáo xứ Kim Phát cho biết: “Trong thời gian tới, giáo xứ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo; đồng thời vận động giáo dân tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế để ngày càng có nhiều hộ khá và giàu, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.