Multimedia Đọc Báo in

Làng hoa lay ơn vào vụ Tết

08:43, 24/12/2018

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này, các nhà vườn trồng hoa lay ơn ở xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) đang tất bật chăm sóc cho từng luống hoa để kịp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết.

Cũng như mọi năm, vào giữa tháng 10 âm lịch, gia đình bà Hồ Thị Liên (thôn 1) bắt đầu các khâu làm đất, lên luống để canh tác 1 sào hoa lay ơn phục vụ Tết, với đủ các loại màu: đỏ tươi, đỏ nhung, vàng, tím cẩm… Bà Liên cho biết, với 1 sào hoa lay ơn, mùa Tết năm trước giá bán ổn định 35.000-40.000 đồng/bó (10 cây), gia đình bà thu lãi hơn 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm nay vào thời điểm xuống giống thời tiết rất thuận lợi, hiện cây đã ra 2-3 lá và phát triển rất tốt. Bà đang tập trung khâu làm cỏ, tưới nước và lắp đặt hệ thống đèn điện để điều tiết sự sinh trưởng nhằm giúp cây bung hoa đẹp, đúng vụ. So với các loại cây trồng khác, hoa vụ Tết thường dễ bán và giá cả lại cao hơn ngày thường, thu nhập cũng nhờ thế mà tăng lên.

Bà Hồ Thị Liên (thôn 1, xã Cư Suê) đang làm cỏ cho vườn hoa lay ơn.
Bà Hồ Thị Liên (thôn 1, xã Cư Suê) đang làm cỏ cho vườn hoa lay ơn.

 

Trồng hoa lay ơn chỉ khoảng 2,5 tháng là cho thu hoạch, với giá bán khoảng 3.000-3.500 đồng/cành vào ngày thường, những ngày cận Tết có thể bán được 4.500-6.000 đồng/cành, trừ chi phí 1 sào cho thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Chị Võ Thị Lê (thôn 1) cũng đang bận rộn chăm sóc 3 sào hoa lay ơn. Theo chị Lê, công việc chăm hoa tưởng đơn giản nhưng để hoa nở đẹp và đúng dịp Tết cần sự tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc, nhạy bén nắm bắt sự thay đổi của thời tiết để tiến hành bón thúc hay kìm hãm sự phát triển của cây. Khi mới xuống giống, chị tưới nước 2 lần/ngày, phun thuốc kích thích sinh trưởng. Cây cao khoảng 40 cm thì cắm nẹp tre để giữ thân thẳng và vững. Từ ngày 20 tháng Chạp, hoa lay ơn sẽ bắt đầu nở để cùng khoe sắc với các loại hoa khác trong dịp Tết. Năm nay, ngoài hoa lay ơn là chủ đạo, chị trồng thử nghiệm thêm một số giống hoa mới như hoa hồng, hoa đồng tiền, các loại hoa cúc… So với mọi năm, giá cả vật tư nông nghiệp phục vụ cho nghề trồng hoa như phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng rễ, giống… đều cao hơn nên gia đình chị rất trông chờ giá hoa sẽ tăng cao trong dịp Tết.

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, nhận thấy việc trồng hoa bán dịp Tết mang lại hiệu quả, nên sau khi hết vụ hoa màu, khoảng từ cuối tháng 9 âm lịch, nhiều hộ nông dân đã cải tạo đất để chuyển sang trồng hoa lay ơn. Hiện trên địa bàn có khoảng 30 hộ trồng hoa lay ơn với diện tích 1-3 sào/hộ, tập trung tại thôn 1. Năm nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi nên hoa sinh trưởng rất tốt, dự kiến vụ Tết này làng hoa sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 900.000 cây hoa lay ơn các loại. Để tăng năng suất và chất lượng của cây hoa, các nhà vườn đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng và chăm sóc như thắp điện sưởi ấm, đầu tư hệ thống tưới nước phun sương...

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.