Nâng cao thu nhập từ phát triển cây ăn trái
Những năm gần đây, UBND xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã tích cực vận động người dân cải tạo vườn tạp để phát triển cây ăn trái. Đây được xem là một trong những hướng sản xuất nông nghiệp mới của địa phương.
Năm 2010, thực hiện chủ trương của UBND xã về chuyển đổi cây trồng, ông Đặng Văn Trọng ở thôn 11 đã mạnh dạn phá bỏ 2 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng 500 cây quýt đường. Sau 3 năm, gia đình ông đã có vườn quýt sai trĩu quả, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhận thấy mô hình mang lại nguồn thu nhập cao, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây ăn trái khác.
Đến nay, ông Trọng đã sở hữu 3,5 ha cây ăn trái với 1.000 cây quýt đường, 350 cây xoài và 100 cây bưởi da xanh, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Ông Trọng chia sẻ: “Lúc mới trồng, tôi cũng rất lo ngại vì không biết khí hậu ở đây có thích hợp cho cây có múi phát triển hay không, nhưng qua theo dõi thì thấy cây phát triển tốt và cho năng suất cao nên tôi mong muốn có nhiều hộ dân cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo ra sản phẩm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái địa phương”.
Ông Đặng Văn Trọng đang thu hoạch quýt. |
Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú
|
Cũng giống như nhiều gia đình khác, trước đây gia đình chị Ngô Thị Ngọc Lan ở thôn 10 chỉ trồng độc canh cây cà phê, nhưng do chất đất không phù hợp nên nguồn thu không đáng kể. Năm 2010, gia đình chị quyết định trồng xen 600 cây mít Thái vào vườn cà phê. Nhờ tham gia tập huấn kỹ thuật cũng như học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, ngay mùa thu hoạch đầu tiên, gia đình chị đã “bỏ túi” gần 300 triệu đồng. Điều đáng mừng là việc tiêu thụ mít không gặp nhiều khó khăn do thương lái đến tận vườn để thu mua với giá ổn định. Hiện nay, gia đình chị đã mở rộng diện tích cây ăn trái lên 6 ha gồm: cam, quýt, bưởi, mít, ổi… Chị Lan khẳng định, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng cà phê.
Theo ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, trước đây người dân chủ yếu trồng cây ăn trái để phục vụ gia đình nên quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện nghị quyết của xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều gia đình đã “đổi đời” từ trồng cây ăn trái. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nên toàn xã hiện có trên 125 ha diện tích cây ăn trái. Trong đó, phần lớn là trồng quýt, bơ, bưởi da xanh, tập trung nhiều nhất ở thôn 10, 11.
Mô hình trồng mít của chị Ngô Thị Ngọc Lan cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. |
Có thể nhận thấy việc phát triển cây ăn trái là hướng đi đúng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao lại tiết kiệm chi phí đầu tư, nhân công. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn trái trên địa bàn xã Hòa Phú còn mang tính tự phát, theo phong trào, năng suất nhiều vườn chưa cao, hoạt động tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp khó khăn. Theo ông Từ Văn Hợi, để phát triển cây ăn trái một cách bền vững và có hiệu quả, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về công tác chăm sóc, thu hoạch sản phẩm để nâng cao sản lượng, tạo thương hiệu, đồng thời giới thiệu các giống cây mới chất lượng, phù hợp với khí hậu của địa phương; tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm; hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón để thực hiện một số mô hình.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc