Những nông dân người dân tộc thiểu số vượt khó, thoát nghèo ở buôn Ea Drai
Với ý chí và nghị lực vượt khó trong lao động, sản xuất, cùng với sự hỗ trợ về vốn, đến nay nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số ở buôn Ea Drai (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ea Drai là buôn đặc biệt khó khăn của xã Tân Tiến được thành lập từ năm 2001, có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống với 127 hộ dân (445 khẩu), đời sống chủ yếu dựa vào cây cà phê và chăn nuôi. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng sự lao động cần cù, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình 134, 135, 167… đã giúp người dân trong buôn có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, đã có nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả, có vốn tích lũy để xây nhà mới, mua vật dụng sinh hoạt có giá trị và lo cho con cái ăn học. Hiện toàn buôn có khoảng 10 hộ có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Anh Ai Dế mở rộng quy mô chăn nuôi . |
Điển hình như gia đình anh Ai Dế (dân tộc Vân Kiều), từ một hộ nghèo nhiều năm của buôn đến nay đã thoát nghèo và phát triển kinh tế ổn định với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Năm 2004, sau khi lập gia đình, anh Ai Dế chuyển đến buôn Ea Drai sinh sống. Không có đất sản xuất, vợ chồng anh phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Năm 2008, với số tiền 4 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ai Dế đã mua một con bò giống để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân chuối, lá ngô cho bò ăn thì anh còn trồng thêm cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ một con bò giống ban đầu, sau 9 năm chăn nuôi giờ gia đình Ai Dế đã sở hữu đàn bò 12 con. Ngoài ra, anh còn nuôi được thêm 3 con trâu. Tích lũy tiền bán đàn bò cùng với số tiền 2 đứa con đi làm công nhân ở Bình Dương gửi về, anh Ai Dế đã mua được 1,5 ha cà phê và sửa sang lại ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ xây trước đó. Anh chịu khó chăm sóc nên mỗi năm vườn cà phê cho thu hoạch từ 3-4 tấn nhân, giúp kinh tế gia đình ngày một khá lên. Đến năm 2017, gia đình anh Dế đã thoát nghèo và vươn lên trở thành một trong những hộ khá nhất nhì buôn.
Vợ chồng anh Ai Dế sơ chế cà phê. |
Cũng như anh Ai Dế, gia đình ông Long Văn Tẩy (dân tộc Nùng) trước đây thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình 6 miệng ăn chỉ phụ thuộc vào 3 sào lúa nhưng không có nước tưới nên chẳng đủ ăn. Năm 2007, gia đình ông được hỗ trợ một con bò giống từ Chương trình 135, trị giá 5 triệu đồng. Nhờ được chăm sóc tốt, sau 2 năm con bò giống đã sinh được một bê con. Thấy việc nuôi bò dễ, tận dụng được công nhàn rỗi, có thêm lượng phân dồi dào để bón cho cây trồng, ông Tẩy đã quyết định không bán bò mà để gây giống, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đàn bò dần sinh sôi có thời điểm lên đến 15 con giúp gia đình ông có nguồn thu nhập, tích lũy vốn để mua giống cây về trồng trên 1 ha đất khai hoang của gia đình đã bỏ trống nhiều năm và máy móc để phục vụ cho sản xuất. Đến nay, đời sống của gia đình ông Tẩy đã ổn định, có đủ điều kiện để nuôi 4 đứa con ăn học. Hiện gia đình ông đang canh tác 1 ha cà phê và điều, 3 sào lúa và nuôi 3 con bò, thu nhập mỗi năm khoảng 80 triệu đồng. Năm 2017, với số tiền 40 triệu đồng của gia đình cùng với sự hỗ trợ của địa phương, ông đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá 70 triệu đồng. Đến đầu năm 2018, gia đình ông đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Ea Drai được xem là buôn điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo của địa phương. Từ xuất phát điểm 100% hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2018, buôn chỉ còn 47 hộ (chiếm tỷ lệ 37%); thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2016. |
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc