Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế

08:52, 13/12/2018

Tính đến nay, thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế thực hiện đã vượt chỉ tiêu của cả năm 2018. Tuy nhiên, riêng công tác quản lý và thu hồi nợ thuế vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Cục Thuế tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý và thu hồi nợ thuế vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thực hiện. Bằng nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt trong quản lý và xử lý thu hồi các khoản nợ thuế, ngành Thuế tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Phòng, Chi cục Thuế, từng cán bộ thuế, từ đó đã tập trung đôn đốc, thu nợ thuế được hơn 257 tỷ đồng. Trong đó thu nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày so với thời điểm 31-12-2017 chuyển qua hơn 106,3 tỷ đồng; thu nợ xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước hơn 45,1 tỷ đồng; thu nợ thuế từ tiền thuê đất hơn 105,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Thuế đã công khai trên 5.000 lượt người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng với số tiền gần 741 tỷ đồng, sau công khai đã thu được 108,1 tỷ đồng.

Đoàn đôn đốc thu hồi nợ thuế do Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn làm Trưởng đoàn làm việc trực tiếp tại một doanh nghiệp  trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Đoàn đôn đốc thu hồi nợ thuế do Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn làm Trưởng đoàn làm việc trực tiếp tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, với nỗ lực và quyết tâm cao của ngành Thuế, kết quả thu nợ thuế từ đầu năm đến nay là rất tích cực, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện tổng số nợ thuế vẫn còn cao so chỉ tiêu thu nợ thuế được giao năm 2018. Để đưa tỷ lệ nợ thuế giảm xuống dưới 5% trên tổng thu ngân sách, Cục Thuế tỉnh đang tập trung lực lượng, ưu tiên mọi nguồn lực thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Cụ thể, Cục Thuế tỉnh tăng cường phổ biến đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, xử lý nợ thuế và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về quản lý và xử lý nợ thuế đến toàn thể cán bộ công chức nắm bắt thông suốt quan điểm tư tưởng chỉ đạo, nội dung chính sách, pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế để thực thi đúng theo quy định. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ thuế, tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Cùng với đó, Cục Thuế đã xây dựng phương án xử lý nợ thuế cụ thể, chi tiết, trong đó tập trung đánh giá tình trạng nợ đọng thuế trên từng lĩnh vực, khoản thu, sắc thuế, phân loại nợ thuế, lập danh sách các tổ chức, cá nhân nợ thuế, không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài để công khai minh bạch. Tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp nợ thuế…

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp căn cơ trên, Cục Thuế tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập các đoàn đôn đốc thu hồi nợ thuế do lãnh đạo Cục Thuế và các đơn vị trực tiếp làm việc tại trụ sở các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý các khoản nợ đối với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước để thu hồi nợ thuế đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thông qua công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; phối hợp với cơ quan Công an thực hiện cưỡng chế thu nợ đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bỏ trốn, tẩu tán tài sản cố tình nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước…

Với nỗ lực và quyết tâm cao của ngành Thuế tỉnh, tin rằng công tác quản lý và đôn đốc thu hồi các khoản nợ thuế sẽ đạt kết quả khả quan, đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018, tạo tiền đề thuận lợi để ngành Thuế tỉnh hoàn thành những mục tiêu của năm 2019 và những năm tiếp theo.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.