Multimedia Đọc Báo in

Thôn chỉ còn một hộ nghèo

08:22, 02/12/2018

Thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) hiện có 75 hộ. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu trồng hoa màu, hiệu quả không cao nên cuộc sống rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 15%. Những năm gần đây, nhờ đưa các loại cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả… vào canh tác, tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt.

Hiện nay, trong tổng số 200 ha đất nông nghiệp của bà con trong thôn thì có 15 ha cao su, 135 ha cà phê, điều, 50 ha hồ tiêu, cây ăn quả (phần lớn trồng xen canh trong vườn cà phê)… Bà con tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây trồng cho năng suất và sản lượng cao hơn nhất nhiều so với trước đây, như: điều đạt năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, hồ tiêu 3 – 3,5 tấn/ha, cao su 2 tấn/ha, cà phê 3 – 3,5 tấn/ha (thậm chí có hộ đạt 4,5 – 5 tấn/ha)… Trưởng thôn Vũ Văn Cường tự hào: “Nhìn chung, đời sống của bà con trong thôn đã có bước phát triển rõ rệt. Những hộ có diện tích đất lớn có thu nhập đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, hộ có thu nhập mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng thì không phải ít…”.

Anh Thượng Đình Hiển (phải) trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu  với người dân trong thôn.
Anh Thượng Đình Hiển (phải) trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu với người dân trong thôn.

Có thể đơn cử như gia đình anh Thượng Đình Hiển, dù chỉ có 7 sào đất canh tác nhưng nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa cây trồng nên vẫn có thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trước đây, gia đình anh Hiển chủ yếu trồng cây cà phê song nguồn giống không bảo đảm, năng suất đạt rất thấp nên hiệu quả đem lại không cao, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010, anh Hiển quyết định trồng hồ tiêu xen thêm sầu riêng. Nhờ chọn được giống phù hợp, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của gia đình anh phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh thu được 4 tấn tiêu, 3 tấn sầu riêng, với giá cả thị trường như hiện nay, sau khi đã trừ hết các chi phí đầu tư phân bón, nhân công… thì gia đình anh có lãi hơn 300 triệu đồng. Làm ăn hiệu quả, anh Hiển đã mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất, đến nay gia đình anh đã có 1,2 ha trồng 1.000 trụ tiêu, 135 cây sầu riêng.

Trong thôn Đoàn Kết không ít những ngôi nhà khang trang đã được xây dựng.
Trong thôn Đoàn Kết không ít những ngôi nhà khang trang đã được xây dựng.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2018 của xã Ea Kuêh, đến nay thôn Đoàn Kết chỉ còn 1 hộ thuộc diện nghèo, là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trên địa bàn. Đặc biệt, thôn Đoàn Kết cũng là khu dân cư duy nhất của xã “xóa trắng” được hộ cận nghèo. Đây thực sự là con số ấn tượng mà không phải thôn, buôn nào cũng có thể đạt được, nhất là tại địa bàn còn nhiều khó khăn như xã Ea Kuêh.

Đời sống được cải thiện, người dân trong thôn cũng tích cực hưởng ứng các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, nhân dân thôn Đoàn Kết đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng xây dựng hội trường thôn, kéo 3 km đường điện chiếu sáng, nâng cấp và làm mới 5 km đường giao thông nông thôn... Nhiều người dân còn tự nguyện hiến đất, phá bỏ cây trồng trên đất để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình công cộng mà không cần sự hỗ trợ, hay đền bù từ Nhà nước.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.