Giao khoán rừng - tạo sinh kế cho cư dân vùng đệm Vườn quốc gia
Với hàng nghìn hộ dân sống xung quanh khu vực vùng đệm, tài nguyên rừng của các Vườn quốc gia luôn đối mặt với tình trạng bị xâm hại. Để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, thời gian qua, đi đôi với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, những đơn vị này đã triển khai các chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm giúp họ có thêm nguồn thu nhập và “kéo” họ vào cùng bảo vệ rừng.
Tỉnh ta hiện có hai Vườn quốc gia là Yok Đôn và Chư Yang Sin với tổng diện tích hơn 170.000 ha. Nơi đây đang bảo tồn nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm như cẩm lai, pơ mu, giáng hương, voi, hổ, gấu… Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn có diện tích 115.545 ha, trải rộng trên địa bàn 7 xã của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với số dân vùng đệm hơn 50.000 người. Ngoài ra, trong vùng lõi của Vườn hiện đang có 437 ha ruộng rẫy với 227 hộ dân vùng đệm canh tác và 1 buôn với 124 hộ (481 nhân khẩu) định cư, sinh sống. Đa phần dân cư sống xung quanh Vườn đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm từ rừng, từ đó đã tạo ra áp lực lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Kiểm lâm VQG Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng. |
- Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin
|
Chính vì vậy, việc tạo nguồn thu nhập cho người dân từ việc quản lý bảo vệ rừng là điều hết sức cần thiết. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020, VQG Yok Đôn đã tiến hành giao khoán quản lý, bảo vệ một phần diện tích rừng cho cộng đồng các thôn buôn vùng đệm và trả kinh phí cho người dân. Trong năm 2018, Vườn đã giao khoán cho 19 thôn, buôn vùng đệm với 2.421 hộ thuộc các xã Ea Huar, Krông Na, Ea Wer (huyện Buôn Đôn) và Cư M’lan (huyện Ea Súp) với diện tích 14.550 ha, mức chi trả 400.000 đồng/ha/năm. Số tiền thu được từ việc nhận khoán sẽ được chia đều cho các hộ tham gia công tác bảo vệ rừng. Tính ra, mỗi hộ tham gia giữ rừng hằng năm cũng thu về được gần 2,5 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng ở những khu vực khó khăn thì nó cũng góp phần giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. “Từ khi được nhận khoán rừng đã gắn được quyền lợi và trách nhiệm của người dân với rừng, họ đã ý thức được việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ nguồn thu nhập của chính mình, góp phần làm giảm áp lực đối với rừng của đơn vị. Đơn cử như trong năm 2018, đơn vị phát hiện và xử lý 307 vụ vi phạm lâm luật, giảm 117 vụ (27,59%) so với cùng kỳ năm 2017”, ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn chia sẻ.
Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng. |
Tương tự, VQG Chư Yang Sin có diện tích 59.491,2 ha cũng có hàng nghìn hộ dân thuộc 93 thôn, buôn thuộc 21 xã của hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng sinh sống ở khu vực vùng đệm. Đời sống của người dân vùng đệm chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên phần lớn đất đai canh tác cằn cỗi, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không cao nên người dân vẫn vào rừng để khai thác các sản phẩm từ rừng như phong lan, mật ong, măng, thú rừng… để kiếm thêm thu nhập gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho biết, bắt đầu từ năm 2013, khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, hằng năm đơn vị tiến hành giao khoán hơn 40.000 ha rừng cho khoảng 1.400 hộ dân của các huyện Krông Bông, Lắk và huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) để đồng quản lý, bảo vệ. Nhận khoán rừng giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cùng với đó đơn vị cũng được bổ sung hàng nghìn người để phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm lâm luật. Từ đây, mối quan hệ giữa người dân vùng giáp ranh với Vườn trở nên gắn kết hơn. Các cộng đồng dân cư vùng đệm dần trở thành những “vệ tinh” giúp đơn vị thu thập thông tin, nắm bắt tình hình để có thể đưa ra những phương án phù hợp, kịp thời nhằm quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc