Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả kinh phí khuyến công

09:24, 18/01/2019

Với điều kiện kinh phí hạn chế, ngành Khuyến công tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao đề án đến các cơ sở công nghiệp nông thôn đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả của nguồn lực khuyến công.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được bố trí, ngành Khuyến công tập trung cho các cơ sở sản xuất còn gặp khó khăn và phân bổ kinh phí đồng đều giữa các địa phương. Cụ thể, trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 22 đề án khuyến công được triển khai, với tổng kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng, trong đó có 13 đề án hỗ trợ trực tiếp máy móc, thiết bị cho những cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các huyện M’Đrắk, Cư Kuin, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Ana, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột, với tổng kinh phí  4,1 tỷ đồng. Từ những đề án này, các hộ gia đình và doanh nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các cơ sở sản xuất ở nông thôn, địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Một cơ sở công nghiệp nông thôn tại Cụm công nghiệp Ea Dar, huyện Ea Kar.
Một cơ sở công nghiệp nông thôn tại Cụm công nghiệp Ea Dar, huyện Ea Kar.
 

“Để chương trình khuyến công ngày càng thiết thực, ngành Khuyến công đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn và các khuyến công viên theo dõi, nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở, doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp khởi nghiệp để kịp thời có những tư vấn, hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn”.

 
 
 Ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp

Năm 1998, anh Trần Văn Phước (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) thành lập Cơ sở cơ khí Anh Tý, chuyên gia công, lắp ráp các sản phẩm cơ khí gia dụng. Do thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị nên quy trình sản xuất chủ yếu là làm thủ công, tốn nhiều lao động, việc cắt bằng gió đá cho sản phẩm có độ nét không cao. Bên cạnh đó, nhiều công đoạn phải đi thuê các cơ sở lớn ở TP. Buôn Ma Thuột gia công giúp, vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Năm 2018, cơ sở của anh được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) hỗ trợ 80 triệu đồng để đầu tư mua máy cắt Plasma CNC với phạm vi cắt 1,5 mét x 3 mét, tốc độ cắt từ 0 – 8.000 mm/phút. Sau khi đầu tư máy móc, thiết bị mới, chất lượng sản phẩm của Cơ sở cơ khí Anh Tý tăng lên đáng kể, bảo đảm độ chính xác cao, chi phí và giá thành sản phẩm giảm xuống 10%.

Để nguồn vốn khuyến công phát huy hiệu quả cao, ngành Khuyến công chú trọng vào các lĩnh vực mà địa phương có nhiều thế mạnh như cơ khí nhỏ và chế biến cà phê. Riêng trong năm 2018, trong số 13 đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị thì có 7 đề án thuộc 2 lĩnh vực này, tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Đơn cử như Cơ sở sản xuất cà phê Buôn Hồ (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) được hỗ trợ thực hiện Đề án Máy chế biến cà phê bột, với tổng số vốn 240 triệu đồng. Nhờ đó, cơ sở đã hoàn thiện hệ thống máy móc hiện đại, khép kín, đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa trong sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên nhiều.

Cán bộ khuyến công kiểm tra đề án khuyến công tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin.
Cán bộ khuyến công kiểm tra đề án khuyến công tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin.

Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đối tượng thụ hưởng nguồn lực khuyến công và ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương. Đề án chuyển giao được thẩm định kỹ lưỡng, nguồn vốn giải ngân kịp thời, qua đó giúp các đơn vị sản xuất vượt qua khó khăn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công hiện rất hạn chế, trong khi nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp nông thôn rất lớn. Do đó, các cơ sở sản xuất cần chủ động tiếp cận nguồn vốn từ những tổ chức tín dụng và chương trình khác để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc