Multimedia Đọc Báo in

"Vàng xanh" đàn hương "bén duyên" trên đất cao nguyên

08:02, 29/01/2019
Nhìn hàng cây đàn hương trồng xen trong hơn 2 ha quýt phát triển xanh tốt, mới thấy hết sự nỗ lực của ông Nguyễn Quang Tòa ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) khi quyết định phối hợp với Viện Nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm (Hà Nội) trồng thực nghiệm loại cây này ở vùng đất khô cằn.

Xuất thân từ lính, sau khi về lại quê nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đời sống khó khăn, năm 1994 ông Tòa vào xã Ea Nuôl lập nghiệp bằng nghề xây dựng. Năm 2015, trong một lần về quê, ông Tòa tình cờ được đi tham quan mô hình trồng cây đàn hương. Qua tìm hiểu về loại cây được ví là  “hoàng kim” của rừng xanh bởi giá trị kinh tế cao, trở về nhà ông Tòa lên kế hoạch thực hiện mô hình này. Ông Tòa quyết định liên kết với Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm mua giống chất lượng và nhờ chuyên gia tư vấn trồng xen cây đàn hương trong vườn quýt của gia đình. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng khá thích hợp, đến nay lứa cây đàn hương đầu tiên của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Quang Tòa (xã Ea Nuôl, Buôn Đôn) kiểm tra đường kính của cây đàn hương sau gần 3 năm trồng.
Ông Nguyễn Quang Tòa (xã Ea Nuôl, Buôn Đôn) kiểm tra đường kính của cây đàn hương sau gần 3 năm trồng.
 

Sau khi khảo sát tôi nhận thấy thổ nhưỡng Đắk Lắk rất hợp với cây đàn hương, đặc biệt là những vùng đất cằn như Buôn Đôn, Ea Súp… Đàn hương là cây gỗ bán ký sinh nên trồng xen canh với các loại cây như: cam, quýt, bơ, mắc ca, cà phê… rất tốt hoặc trồng đàn hương với các loại cây thảo dược như kim tiền thảo, cây sả để lấy tinh dầu… đều mang lại hiệu quả cao”. 

Giáo sư, Tiến sĩ Ashutosh Srivastave, chuyên gia cao cấp về cây đàn hương Ấn Độ

 

Tiến sĩ Vũ Thoại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm cho biết: Cây đàn hương (tên khoa học là Santalum album) có xuất xứ ở Ấn Độ, được đánh giá là đa tác dụng. Từ lá đến thân, rễ của cây đàn hương đều có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau. Lá cây chứa chất có khả năng điều trị huyết áp cao, gỗ đàn hương được dùng trong ngành công nghiệp nước hoa, có tác dụng chống viêm, sưng; hạt cây đàn hương có hàm lượng dầu lớn và axít có tác dụng chống lão hóa… Chính vì vậy cây đàn hương còn được gọi là cây “vàng xanh” bởi giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa tâm linh. Cây đàn hương trồng từ 6 đến 10 năm cho khai thác, với mật độ trồng 1.000 - 1.500 cây/ha, sau khi thu được lõi 30 kg/cây, có giá bán từ 500 -1.000 USD/kg tùy thời điểm…

Với lợi thế là cây trồng xen, cây đàn hương đã được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, tìm hiểu và bắt đầu trồng thử nghiệm. Hợp tác xã  Dịch vụ Nông nghiệp đàn hương và mắc ca vip ở thôn Lộc Xuân (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) đã tiến hành trồng từ 2.000 đến 3.000 cây đàn hương xen trong các vườn mắc ca. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc cho biết, trước đây 22 thành viên của HTX trên đều trồng cây mắc ca, hiện nay có nhu cầu tìm kiếm một loại cây xen canh mang hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu, lại được Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, cũng như cung ứng nguồn giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác nên từ đầu năm 2018 các thành viên HTX đã mạnh dạn trồng. Hiện nay cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm đã liên kết với Công ty Sao Thái Dương để sản xuất một số loại kem dưỡng da từ hạt đàn hương và trà từ lá cây đàn hương, có tác dụng thải chất độc trong máu. Do đó, các sản phẩm từ cây đàn hương hiện đang được Viện bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm canh tác loại cây này. Tiến sĩ Vũ Thoại cho hay: “Để có vùng nguyên liệu cung ứng cho kế hoạch sản xuất sản phẩm từ đàn hương, Viện đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 4.000 ha trồng cây đàn hương nhờ liên kết với nông dân. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, viện nghiên cứu Ấn Độ để bảo đảm nguồn giống, từ đó nhân giống bằng các phương pháp khác như nuôi cấy mô để cho ra những giống cây thuần chủng, sạch bệnh”.

Nguyễn Gia

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.