Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử
Thương mại điện tử (TMĐT) đang khẳng định vai trò của mình trong việc giúp doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng trên địa bàn tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin thị trường. Với vai trò đó, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang tích cực hỗ trợ, khuyến khích DN đẩy mạnh phát triển, ứng dụng TMĐT...
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, TMĐT ngày càng được biết đến như một phương thức kinh doanh hiệu quả từ khi Internet hình thành và phát triển. Hiện TMĐT và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng phát triển chung của thương mại thế giới, giúp DN mở rộng thị trường, nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Về phía người tiêu dùng, TMĐT tạo ra nhiều tiện ích trong việc mua sắm hàng hóa. Ranh giới giữa TMĐT và bán lẻ đang dần biến mất, thay vào đó TMĐT đang trở thành một phần tất yếu của thế giới bán lẻ với sự phổ biến của công nghệ thông tin.
Trên thực tế, TMĐT ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người bán và người mua. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tổng doanh thu ngành TMĐT Việt Nam năm 2018 là 2,26 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm trước; số lượng khách mua hàng trên các trang TMĐT đạt 49,8 triệu người, chính thức lọt top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới. Còn theo thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng cho thấy, trong năm 2018, tỷ lệ mua hàng qua Facebook đạt đến 70%. Giới trẻ dùng Internet và xu hướng mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến. Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 11-5-2014 phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020. Chương trình giúp Cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TMĐT và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hệ thống quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh thời gian qua các DN của tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở mình. Đến nay, các DN cũng đã xây dựng và sử dụng những phần mềm, tiện ích trong điều hành như: kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, xây dựng website (website hoặc trang thông tin điện tử) riêng để quảng bá, trao đổi thông tin và giao dịch trực tuyến… Tuy vậy, việc ứng dụng TMĐT trong các DN của tỉnh vẫn còn hạn chế, tỷ lệ DN có website và duy trì có hiệu quả website vẫn còn thấp, chủ yếu tập trung ở các DN lớn; nhiều DN chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT…
Nhân viên Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cập nhật thông tin trên webside của đơn vị. |
Với mục đích đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong đại bộ phận các DN của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công thương) đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích các DN ứng dụng TMĐT góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ở đơn vị mình. Tính đến nay, Sở đã phối hợp với cơ quan liên quan hỗ trợ xây dựng 4 website TMĐT cho 4 DN. Theo đó, các DN này được tư vấn về triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho sản phẩm của DN trên website…
Là một trong những đơn vị được hỗ trợ xây dựng website từ tháng 7-2018, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn Trương Ngọc Quang chia sẻ, website đóng vai trò quan trọng và hỗ trợ đắc lực trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh DN và việc thực hiện các giao dịch mua bán qua mạng cũng trở nên dễ dàng hơn. Từ khi được hỗ trợ xây dựng website, việc đăng tải thông tin, kinh doanh của đơn vị cũng như quảng bá sản phẩm đã thuận lợi hơn trước nhiều, góp phần giúp công tác quản lý của DN được chuyên môn hóa, DN theo đó cũng nhận được thêm nhiều đơn hàng mới.
Cũng trong năm 2018, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị tập huấn ứng dụng TMĐT trong thời đại kinh tế số cho hơn 100 học viên là cán bộ quản lý nhà nước, các cơ sở, DN sản xuất thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức của DN về vai trò, lợi ích của TMĐT. Từ đó, giúp DN xây dựng chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị mình, áp dụng phương thức bán hàng trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho DN…
Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường phổ biến kiến thức, giới thiệu, cập nhật hình thức triển khai các văn bản pháp luật về TMĐT một cách sâu rộng, chi tiết, đồng thời, tạo điều kiện để DN được tìm hiểu, tiếp cận các dịch vụ TMĐT chuyên nghiệp và hiện đại hơn…
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tổng doanh thu ngành TMĐT Việt Nam năm 2018 là 2,26 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm trước; số lượng khách mua hàng trên các trang TMĐT đạt 49,8 triệu người, chính thức lọt top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc