Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông: Triển vọng từ mô hình trồng sả lấy tinh dầu

12:15, 13/02/2019

Những năm gần đây, một số hộ dân tại xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng sả lấy tinh dầu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương.

Trước đây, vườn nhà ông Trần Nên (thôn 6) chủ yếu là trồng bắp. Hơn 1 năm nay, ông chuyển sang trồng giống sả chanh và chưng cất lấy tinh dầu. Với khả năng dễ thích nghi trong điều kiện thời tiết khô hạn, dễ trồng và tốn ít công chăm sóc, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5 - 6 năm liền, mang lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng hoa màu. Ngoài ra, lá của cây sả chanh sau khi được tách tinh dầu còn được tận dụng làm phân hữu cơ, bón cho các loại cây trồng khác, củ cũng được các thương lái tìm đến tận nơi thu mua.

Theo tính toán của ông Nên, 1 sào sả chanh cho thu lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng/năm. Với diện tích 3 ha, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, cao gấp 2,5 lần so với trồng bắp như trước . Ông Nên chia sẻ: “Trước đây, cây sả được nhiều nông dân trong xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ một vài khóm để lấy củ làm gia vị nhưng nay đã được trồng tập trung trên diện tích tập rộng để cung cấp ra thị trường với khối lượng lớn".

Anh Lê Quang Đạt (bìa trái) giới thiệu mô hình trồng sả lấy tinh dầu với người dân địa phương.
Anh Lê Quang Đạt (bìa trái) giới thiệu mô hình trồng sả lấy tinh dầu với người dân địa phương.

Nhận thấy đây là mô hình khá hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã cũng đang bắt đầu chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng sả, mang lại nguồn thu đáng kể trong sản xuất nông nghiệp. Anh Lê Quang Đạt (thôn 6) là một trong những hộ tiên phong trồng thử nghiệm giống sả chanh lấy tinh dầu tại địa phương. Năm 2016, sau khi tham khảo sách báo cùng các mô hình trồng sả lấy tinh dầu trong và ngoài tỉnh, anh Đạt đã quyết tâm vay vốn đầu tư chuyển đổi 10 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng sả chanh, xây dựng mô hình kinh tế mới cho gia đình.

 
"Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ giúp hoàn thiện thủ tục thành lập Tổ hợp tác sản xuất tinh dầu sả tại xã Hòa Lễ cũng như hỗ trợ kinh phí để mở rộng diện tích, xây dựng nhà xưởng và đầu tư một số cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Hy vọng mô hình này sẽ phát huy hiệu quả và mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương”.
 
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, anh Đạt tìm mọi cách tiếp thị sản phẩm đến khách hàng, gửi bán tại các điểm du lịch và đưa lên mạng xã hội nhờ bạn bè giới thiệu; đồng thời thường xuyên thay đổi mẫu mã để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, sản phẩm tinh dầu sả chanh được đựng trong lọ thủy tinh, nắp gỗ, tự khuếch tán hương thơm qua chuyển động hoặc rung lắc lọ. Đây là sản phẩm tiện dụng, có thể dùng treo trên xe ô tô, trong nhà, tủ quần áo, nhằm đuổi côn trùng, tạo hương thơm dễ chịu... và được phân phối tại nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Anh Đạt còn vận động nhân dân trong và ngoài xã trồng sả, ký hợp đồng tiêu thụ sả nguyên liệu. Tính đến nay anh Đạt đã tạo vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu sả với trên 14 ha. Trung bình mỗi tháng, cơ sở Tinh dầu sả Anh Nhân của anh Đạt sản xuất khoảng 150 lít dầu, sau khi trừ chi phí thu về gần 45 triệu đồng. Riêng nguồn thu nhập từ củ sả đạt khoảng 160 triệu đồng/năm. Để mở rộng quy mô sản xuất, hiện anh Đạt đang xây dựng đề án thành lập Tổ hợp tác sản xuất tinh dầu sả chanh đồng thời kết hợp sản xuất phân hữu cơ từ lá sả sau khi đã chiết xuất tinh dầu. Thời gian tới, ngoài sản xuất tinh dầu sả, anh Đạt còn dự kiến sản xuất tinh dầu bạch đàn, hương nhu và một số hương liệu khác để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cơ sở sản xuất tinh dầu sả của anh Lê Quang Đạt.
Cơ sở sản xuất tinh dầu sả của anh Lê Quang Đạt.

Từ thành công của mô hình trồng sả lấy tinh dầu của một số hộ dân ở trên địa bàn xã, hiện chính quyền xã Hòa Lễ đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân xã vận động hội viên nông dân chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng của gia đình sang trồng cây sả để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.