Trái ngọt trên thảo nguyên M'Đrắk
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp tham quan một số vườn nhãn, vải trên địa bàn xã Ea Pil - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cây ăn trái của huyện M’Đrắk. Đi dọc một vài tuyến đường nội thôn trong xã, đập vào mắt là các vườn vải đang bung hoa trắng muốt, những vườn nhãn sum suê, chi chít quả.
Ghé thăm gia đình ông Phạm Văn Nguyên (ở thôn 2) và lắng nghe câu chuyện làm giàu từ vườn cây ăn quả của ông chúng tôi thấy ngưỡng mộ. Xuất thân từ gia đình thuần nông ở tỉnh Hải Dương, năm 1990, ông Nguyên cùng vợ con quyết định đi kinh tế mới tại thôn 2. Với số vốn ít ỏi, để trang trải cuộc sống hằng ngày hai vợ chồng phải làm thuê, cuốc mướn, trồng các loại cây ngắn ngày, song cuộc sống vẫn chẳng khấm khá. Năm 2009, ông Nguyên bắt đầu tìm hiểu và mạnh dạn trồng giống vải U Hồng (vải Phúc Hòa) trên diện tích đất mà gia đình lâu nay vẫn trồng ngô, sắn. Nhờ siêng năng, cần cù chăm sóc vườn cây cộng với thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, nên chỉ 3 năm sau, vườn vải bắt đầu cho thu bói, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Có vốn tích lũy và vay mượn thêm, gia đình ông Nguyên tiếp tục mua đất và trồng vải U Hồng trên diện tích gần 8 ha. Vụ vải vừa qua, chỉ với 1,5 ha cây đang trong thời kỳ cho quả sung mãn, gia đình ông thu hoạch được trên 30 tấn quả. Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường (giữa) cùng đoàn công tác khảo sát mô hình trồng nhãn ở xã Ea Pi. |
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk
|
Rời vườn vải của ông Nguyên, chúng tôi tiếp tục đến thăm vườn nhãn Hương Chi của gia đình anh Vũ Văn Thọ và chị Nhữ Thị Quyên (ở thôn 10), mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Những năm 2000, từ tỉnh Hải Dương vào đây lập nghiệp, anh chị là một trong những hộ đầu tiên trồng giống nhãn Hương Chi trên địa bàn xã Ea Pil. Tuy nhiên, do phải lo cái ăn, cái mặc trước mắt, anh chị đành phải “ưu tiên” trồng các loại cây ngắn ngày như mía, sắn và nuôi heo, gà. Khi kinh tế đã tạm ổn, năm 2014 vợ chồng anh Thọ bắt đầu trồng lại nhãn một cách bài bản và quy củ hơn. Có vốn, anh chị mua thêm đất trồng nhãn, vải, sầu riêng với tổng diện tích trên 7 ha. Anh Thọ chia sẻ, do nắm rõ đặc tính của cây nhãn nên tôi có thể điều chỉnh cho cây ra quả trái vụ với chất lượng quả ngon, ngọt, thơm. Nhãn trái vụ vừa được giá cao, lại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Chúng tôi đang “ép” cây cho thu hoạch vào đúng dịp rằm tháng Giêng, bởi dịp Tết Nguyên đán nhãn thường không được giá do người dân không dùng nhãn để chưng thờ nên giá chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg, nhưng nếu xuất bán vào thời điểm rằm tháng Giêng, giá có thể trên 30.000 đồng/kg. Đơn cử như vụ vừa qua, chỉ với gần 1 ha nhãn bắt đầu cho thu hoạch cũng đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, anh Thọ phấn khởi.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk cho biết: Với đặc thù địa hình nhiều đồi núi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên hiện nay toàn huyện có gần 720 ha cây ăn quả các loại. Một số xã có diện tích cây ăn quả lớn như: Ea Pil 297 ha, Cư Prao 180 ha, Cư Króa 54 ha, Ea Lai 46 ha… Tùy vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mỗi địa phương trong huyện lại chọn một loại cây ăn quả phù hợp để sản xuất, nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng. Theo ông Thập, hướng đi mới này bước đầu giúp cho nhiều gia đình nông dân có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình ông Phạm Đăng Tân (thôn 10, xã Ea Pil) với gần 20 ha vải và nhãn, mỗi năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng; gia đình ông Phạm Đình Thủy (thôn 9, xã Cư Prao) với mô hình trồng chanh dây tím, cây sachi với thu nhập cả tỷ đồng. Hay như gia đình anh Ma Văn Thành, Giàng Seo Sinh (cùng ở thôn 9, xã Cư San) đã thoát nghèo, vươn lên giàu có khi mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi như cam sành Hà Giang, quýt đường, chanh…
Vườn nhãn Hương Chi của gia đình anh Thọ (thôn 10, xã Ea Pil). |
Nhằm thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, huyện M’Đrắk đã có nhiều giải pháp, chương trình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Trong đó phải kể đến Dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên địa bàn xã Cư Prao và xã Ea Pil. Theo Đề án trên, hai xã này sẽ có khoảng 138 ha trồng các loại cây ăn quả như: vải, nhãn, chanh dây tím, mãng cầu Thái Lan, các loại cây có múi… theo hướng công nghệ cao. Cụ thể sẽ sử dụng các loại giống năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất lợi; khuyến khích liên kết giữa hộ sản xuất với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, đơn vị khoa học công nghệ; hỗ trợ thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, bảo quản và cung ứng cho dịch vụ nông nghiệp… từ đó xây dựng thương hiệu cho vùng.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc