"Bà đỡ" giúp nông dân thoát nghèo
Với mục đích hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Nhân An (ở thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) đã thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi với các hộ dân, trở thành “bà đỡ” giúp nhiều nông hộ thoát nghèo.
Ông Trần Thế Châu, Giám đốc HTX cho biết, mô hình chăn nuôi heo, bò theo hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với các nông hộ được triển khai thực hiện từ đầu năm 2018, với 64 hộ tham gia - đây là những hộ nghèo thuộc các xã: Tân Tiến, Ea Kly (huyện Krông Pắc) và Dang Kang, Cư Kty (huyện Krông Bông). Theo đó, khi tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn chi tiết từ khâu thiết kế chuồng trại đến lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, an toàn sinh học. HTX bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, trực tiếp liên kết với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng đến từng hộ dân. Để quá trình chăn nuôi đạt hiệu quả, Ban quản trị HTX đã thành lập một tổ dịch vụ chuyên cung ứng con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, giám sát quy trình chăn nuôi của các hộ hằng tuần.
Mô hình chăn nuôi heo liên kết với HTX của gia đình ông Nguyễn Hữu Phụng (xã Cư Kty, huyện Krông Bông). |
Gia đình ông Nguyễn Hữu Phụng ở thôn 5 (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) là một trong những hộ nghèo của xã bởi kinh tế khó khăn, chỉ dựa vào mấy sào cà phê già cỗi và chăn nuôi nhỏ lẻ. Đầu năm 2018, ông Phụng được HTX hỗ trợ xây dựng chuồng trại và cung ứng 20 con heo giống (15 kg/con) để nuôi. Sau 3,5 tháng chăm sóc đúng quy trình, lứa heo đầu tiên xuất chuồng đạt trọng lượng hơn 90 kg/con, với giá thành được HTX thu mua ở mức 52.000 đồng/kg, trừ chi phí hỗ trợ ban đầu, cho gia đình ông lãi 20 triệu đồng/lứa. Ông Phụng chia sẻ: “Trước đây chăn nuôi phải tự lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm nên lợi nhuận đạt thấp, từ khi HTX đứng ra ký kết các hợp đồng, bao tiêu sản phẩm nên gia đình yên tâm chăn nuôi”. Hiện tại, gia đình ông Phụng đã vươn lên thoát nghèo, dự định sẽ mở rộng thêm quy mô chuồng trại để nhân đàn vật nuôi, tăng nguồn thu nhập.
Tương tự, trước đây vợ chồng anh Vũ Văn Tùng ở xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo, nhưng không có vốn nên kinh tế gia đình vẫn "dậm chân tại chỗ". Đầu năm 2018, sau khi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc chăn nuôi, anh Tùng được nhận nuôi 20 con heo giống từ HTX. Nhờ áp dụng theo đúng quy trình chăm sóc, đàn heo của gia đình anh Tùng khi xuất chuồng đều đạt trọng lượng từ 90 - 100 kg/con, giá bán luôn được HTX mua cao hơn so với thị trường. Nhận thấy hiệu quả, anh Tùng tiếp tục đăng ký con giống nuôi các lứa tiếp theo. Nhờ đó, gia đình anh Tùng dần dà thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong hơn một năm qua, HTX Nhân An đã thể hiện tốt vai trò "bà đỡ" thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, bảo đảm khâu đầu vào lẫn đầu ra giúp nông dân giảm thiểu rủi ro, các hộ dân có sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, từ đó nâng cao thu nhập. Nhờ được tổ chức chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, có nguồn thức ăn phù hợp, đàn gia súc của các hộ tham gia mô hình đều khỏe mạnh, tăng trọng lượng nhanh và bảo đảm chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường. Chăn nuôi ổn định và cải thiện cuộc sống tốt hơn chính là động lực để các hộ nông dân ngày càng gắn bó hơn với HTX.
Từ đầu năm 2018 đến nay, HTX Nhân An đã hỗ trợ cho 142 hộ nghèo tham gia mô hình chăn nuôi liên kết, trong đó có 32 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 con heo thương phẩm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc