Multimedia Đọc Báo in

Mùa quả ngọt trên đất Ea Tyh

09:32, 06/03/2019

Vài năm trở lại đây, nhãn Hương Chi đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân ở xã Ea Tyh (huyện Ea Kar) vươn lên làm giàu.

Thời điểm này, người dân trên địa bàn xã Ea Tyh đang tất bật bước vào vụ thu hoạch nhãn. Năm nay nhãn được mùa được giá nên ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đến thăm gia đình ông Phạm Đăng Ninh, một trong những hộ trồng nhãn nhiều nhất nhì ở thôn Quyết Tâm, chúng tôi được ông dẫn đi xem vườn nhãn sai trĩu quả. Ông Ninh nhẩm tính: Năm nay vườn nhãn đạt sản lượng trên 90 tấn quả, bán với giá 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, sau khi thu hoạch xong, ông còn tiến hành chiết, ghép cành để bán ra thị trường, với giá 35.000 đồng/cành.

Được biết, ông Ninh “bén duyên” với cây nhãn từ hơn chục năm trước. Hiện ông đã sở hữu vườn nhãn rộng 6 ha, với 3.000 cây đã cho thu hoạch. Theo ông Ninh, nếu những giống nhãn khác chỉ ra hoa đúng một đợt thì nhãn Hương Chi ra hoa thành nhiều đợt nên người trồng có thể chủ động được việc kích thích cây ra quả sớm hoặc muộn hơn so với nhãn miền Bắc từ 1 - 2 tháng. Do đó, nhãn ở đây thường dễ bán, giá thành cao và được thương lái các nơi tìm đến tận vườn thu mua.

 Chị Phương Thị Trúc (thôn  Quyết Tâm) thu hoạch nhãn.
Chị Phương Thị Trúc (thôn Quyết Tâm) thu hoạch nhãn.

Xã Ea Tyh hiện có trên 170 ha nhãn Hương Chi trong đó có khoảng 50 ha đã cho thu hoạch. Diện tích nhãn tập trung tại các thôn Quyết Tâm, Quyết Tiến, Tiến Đông, Đoàn Kết, Đoàn Kết 1.

Cùng chung niềm vui được mùa, gia đình chị Phương Thị Trúc (thôn Quyết Tâm) dự kiến cũng có thu nhập cao trong vụ nhãn năm nay. Những ngày này, vườn nhãn của gia đình chị tấp nập người ra vào mua bán. Được biết, đến cuối tháng 2 vườn đã cho thu hoạch được trên 3 tấn nhãn, hiện còn khoảng 5 tấn quả chưa thu. Trước đây trên diện tích đất này, gia đình chị trồng mía nhưng hiệu quả không cao. Năm 2015, thấy một số hộ dân ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) trồng thành công cây nhãn trên đất bạc màu, chị đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 8 sào đất của gia đình sang trồng nhãn Hương Chi. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, vườn nhãn đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Hiện, với 360 cây nhãn đã cho thu hoạch, với giá bán từ 26.000 - 30.000 đồng/kg, chị thu lãi trên 150 triệu đồng. Chị Trúc cho biết: “Giống nhãn này có đặc điểm cùi dày, giòn ngọt, thơm mát lại đẹp mã nên rất hút khách. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch nhãn thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 nên thời gian treo quả trên cây dài nhờ vậy mà nhà vườn có thể thu hoạch rải vụ và bán được giá cao.”

Vườn nhãn của gia đình Nguyễn Văn Chung (thôn Đoàn Kết 1) sai trĩu quả.
Vườn nhãn của gia đình Nguyễn Văn Chung (thôn Đoàn Kết 1) sai trĩu quả.

Theo ông Nguyễn Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Quyết Tâm, hiện trong thôn có khoảng 70 ha nhãn, trong đó 30 ha đã cho thu hoạch. So với các loại cây trồng khác thì cây nhãn dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp. Người trồng chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng cho cây đặc biệt là vào thời điểm cây ra hoa đậu quả thì sẽ đạt năng suất ổn định từ khoảng 15 - 18 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng có thể thu lãi khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Biên, cán bộ nông nghiệp xã Ea Tyh cho biết: Từ năm 2015, nhiều hộ trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng kém hiệu quả (chủ yếu là sắn và mía) sang trồng nhãn. Là cây trồng mới nhưng bước đầu cho thấy cây nhãn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phát triển tốt, đạt năng suất và chất lượng cao. Với giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay, cây nhãn đã đem lại nguồn thu nhập cao và trở thành cây trồng giúp nông dân làm giàu. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên ồ ạt mở rộng diện tích để tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Trong thời gian tới, xã sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, chú trọng quảng bá sản phẩm để tạo thương hiệu nhãn Ea Tyh trên thị trường.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.