Hội nhập quốc tế: Nâng tầm vị thế Việt Nam trong thời kỳ mới
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đan xen lẫn nhau, hội nhập quốc tế phải bảo đảm theo quy mô và tốc độ phù hợp với năng lực, lợi ích của đất nước, nhưng cũng không thể chờ đợi, nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua. Đó vừa là trăn trở, nhưng cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với các cấp, các ngành, địa phương trong việc không ngừng đổi mới, sáng tạo, chủ động hội nhập quốc tế vì sự phát triển nhanh và bền vững.
Cơ hội mở rộng nhưng thách thức cũng không giới hạn
Tại Hội nghị trực tuyến về “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế khẳng định: Hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và định hướng chiến lược của Đại hội XII của Đảng, công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Nhà máy chế biến cà phê Intimex Buôn Ma Thuột. |
Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; 11 FTA đã có hiệu lực; đang thúc đẩy EU thông qua Hiệp định EVFTA và 4 FTA đang đàm phán. Các FTA này là cơ sở, nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư FDI và tạo việc làm, phát triển kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, công tác hội nhập quốc tế đã có những bước đi mang tính chiều sâu, mang lại những thành tựu thuyết phục về thương mại, đầu tư, tăng trưởng. Nhưng kết quả quan trọng hơn chính là những thay đổi vô hình trong nhận thức xã hội, trong thể chế, trong cách thức điều hành nền kinh tế, trong môi trường kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Hội nhập quốc tế đã góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, bảo đảm sự phát triển tự chủ, bền vững hơn của nền kinh tế, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền đất nước.
Tuy nhiên, chúng ta chưa tận dụng hết được cơ hội mà quá trình này mang lại. Ở góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp đã điều chỉnh khá tốt để thích nghi, tiếp tục sinh tồn nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa tối đa nguồn sức mạnh tiềm tàng do quá trình hội nhập mang lại để bứt phá, để vượt lên. Dưới góc độ thể chế, mặc dù chúng ta đã có những bước tiến đáng kể nhưng so với mục tiêu trở thành nền kinh tế hàng đầu trong khu vực ASEAN thì hành trình vẫn còn xa. Và trong nhiều lĩnh vực, cải cách chính sách, pháp luật mới chỉ tập trung vào việc làm sao để không trái với cam kết mà chưa tính đến việc chủ động, khôn ngoan, quyết liệt tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cho phép tận dụng tối đa lợi ích, giảm thiểu thấp nhất bất lợi từ những cam kết.
Cũng tại hội nghị này, các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức mà Chính phủ và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong việc thích ứng với những mô hình thương mại đầu tư mới. Tiến trình cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xã hội 5.0 và kỷ nguyên số trên thế giới dự báo sẽ có bước ngoặt đầy kịch tính trong thời gian tới, không chỉ có kênh thương mại sẽ thay đổi mà các phương thức sản xuất cũng thay đổi và những mô hình kinh doanh mới sẽ ra đời. Vì vậy không chỉ hoạt động thương mại đầu tư quốc tế phải thay đổi mà các chính sách quản trị nhà nước, quản trị xã hội, quản trị kinh tế, quản trị hội nhập cũng phải điều chỉnh, thay đổi để bắt kịp thành công.
Chuyên gia Úc tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp tại trang trại bơ Trịnh Mười (TP. Buôn Ma Thuột). |
““Dĩ bất biến ứng vạn biến”, giải pháp bất biến để chúng ta tiếp tục hội nhập thành công trong một thế giới vạn biến như thế có lẽ vẫn là động lực, quyết tâm hội nhập từ bên trong. Tất nhiên quyết tâm ấy phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể, với một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới, thoát mọi sự níu kéo của cái cũ, thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới; đồng thời nỗ lực cải cách thể chế toàn diện, triệt để, cải cách vì chính mình chứ không chỉ vì cam kết để kiến tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, minh bạch và công bằng. Và đây chính là nền tảng quan trọng nhất để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và có thể hội nhập thành công” - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.
“Nâng tầm, toàn diện và sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả”
Đó chính là phương châm hành động mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra để chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế vì sự phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trước hết, chúng ta phải tiếp tục nâng tầm nhận thức, tư duy về hội nhập theo tinh thần chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế. Qua đó nâng cao vị thế quốc tế, vai trò quan trọng của Việt Nam. Chúng ta phải hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
|
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực, sáng tạo, hiệu quả của các doanh nghiệp và người dân. Một mặt phải hội nhập theo quy mô, tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác, không thể chờ đợi, để nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua. Cho nên cần sự quyết liệt vào cuộc, quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư và các Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.
Về hội nhập về kinh tế, một trong những lĩnh vực trọng tâm, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng phải làm cho nội lực mạnh lên, trong đó hội nhập trong các lĩnh vực khác phải hỗ trợ cho hội nhập kinh tế. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, người dân, doanh nghiệp. Đối với hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương, phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại đa phương. Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, cần luôn nhận thức sâu sắc rằng công nghệ và nhân tài sẽ quyết định thành công trong cạnh tranh ở thế kỷ 21; cần chú trọng việc chủ động học hỏi và nâng cao nội lực phù hợp với những thông lệ, chuẩn mực chung, hòa nhập không hòa tan.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc