Multimedia Đọc Báo in

Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2019 tại huyện Krông Pắc: Nơi kết nối hàng Việt với người Việt

08:44, 26/04/2019

Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Krông Pắc được tổ chức từ ngày 19 đến 23-4-2019 đã gặt hái được những thành công nhất định khi nhận được sự ủng hộ khá tích cực của người dân địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) chia sẻ, chị biết đến thông tin về phiên chợ thông qua báo chí nên cuối tuần vừa rồi chị cùng với gia đình đến tham quan, tìm hiểu các sản phẩm của phiên chợ. Sau khi tham quan một vòng, chị đã mua được cho mình một số sản phẩm ưng ý với giá cả phải chăng từ nhà sản xuất, như dụng cụ sử dụng trong nhà bếp, bột giặt, trà mãng cầu, ca cao… Đặc biệt, chị được tư vấn về một số loại cây cảnh thích hợp với môi trường ít đất, ít ánh sáng và có tác dụng lọc không khí nên đã mua và trang trí trên bệ cửa sổ, trước sân tạo không gian xanh mát cho căn nhà của gia đình.

Người dân tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm nông sản tại một gian hàng ở Phiên chợ hàng Việt  về miền núi tại huyện Krông Pắc.
Người dân tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm nông sản tại một gian hàng ở Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Krông Pắc.

Ngay ngày đầu tiên diễn ra phiên chợ,  ông Hoàng Trọng Thủy (thị trấn Phước An) đã đến tham quan các gian hàng và thử nếm sản phẩm. Phiên chợ giới thiệu các sản phẩm hàng Việt từ nhà sản xuất nên ông yên tâm về chất lượng và giá cả rất hợp lý. Theo ông Thủy, nhu cầu mua và sử dụng hàng Việt của gia đình ông và người dân nơi đây rất lớn bởi ở vùng nông thôn, miền núi đa phần người dân đều mua hàng hóa tại các cửa hàng tạp hóa, thương lái bán dạo đã qua nhiều đầu mối trung gian, mẫu mã sản phẩm hạn chế, giá có phần cao hơn so với giá của nhà sản xuất. Do đó, ông mong muốn tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt hơn, với số lượng sản phẩm đa dạng, phong phú hơn để người dân miền núi có cơ hội tiếp cận, sử dụng và ủng hộ doanh nghiệp Việt.

Kết thúc Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Krông Pắc đã có 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm; doanh số bán hàng khoảng 300 triệu đồng.

Phiên chợ hàng Việt về miền núi được tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân, hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị; đưa hàng chính hãng Việt Nam bảo đảm chất lượng và được sản xuất tại Việt Nam về nông thôn, miền núi do chính nhà sản xuất tổ chức bán để quảng bá, tạo hình ảnh cho hàng Việt. Qua đó, các nhà sản xuất Việt Nam hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn, miền núi và chỗ đứng hàng hóa của mình, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh - mua bán, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thái Minh (TP. Thái Nguyên) cho hay, qua sự giới thiệu của Sở Công thương Đắk Lắk, đơn vị đã đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở hai gian hàng của phiên chợ. Người dân các tỉnh phía Bắc di cư vào Đắk Lắk sinh sống khá nhiều và bản thân họ vẫn giữ gìn tập quán thưởng trà nên tiềm năng mở rộng thị trường tại Đắk Lắk rất lớn. Vì vậy, bên cạnh bày bán, giới thiệu sản phẩm thì đơn vị còn có chương trình thử nếm miễn phí để người tiêu dùng ở đây có cái nhìn toàn diện nhất về sản phẩm, đồng thời kết nối để người dân có thể mua trà Thái Nguyên chất lượng từ các nhà phân phối với giá cả hợp lý nhất.

Nhà sản xuất giới thiệu với người tiêu dùng về nguồn nguyên liệu sản xuất ra rượu cần ở Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Krông Pắc.
Nhà sản xuất giới thiệu với người tiêu dùng về nguồn nguyên liệu sản xuất ra rượu cần ở Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Krông Pắc.

Ông Nguyễn Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH K7 Coffee (huyện Cư M’gar) cho hay, công ty được thành lập năm 2015 với hoạt động chính là chế biến và thương mại các sản phẩm nông sản. Hiện tại, đơn vị đang cố gắng tiếp cận thị hiếu người tiêu dùng nông thôn để đưa đến những sản phẩm nông sản chất lượng, tương thích với thị trường. Do đó, song hành với việc trưng bày thì đơn vị còn mời người tiêu dùng dùng thử sản phẩm và góp ý cho doanh nghiệp về mẫu mã, cách thức đóng gói sản phẩm…

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, sự có mặt của những doanh nghiệp uy tín, với nhiều chủng loại hàng hóa ở các ngành nghề khác nhau đã mang đến cho phiên chợ lần này sự đa dạng về sản phẩm, giúp người tiêu dùng có cái nhìn đầy đủ hơn về hàng Việt, qua đó nâng cao nhận thức tiêu dùng của họ. Phiên chợ cũng là cơ hội để kết nối, thắt chặt mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần lan tỏa văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người dân. Cụ thể, người dân tham quan, tiếp cận và có thêm thông tin của các sản phẩm để so sánh, đánh giá chất lượng, giá cả của hàng trong nước với hàng ngoại nhập, từ đó có sự lựa chọn tiêu dùng hợp lý nhất. Còn các nhà sản xuất có thể ghi nhận trực tiếp những phản ánh của người tiêu dùng thông qua việc sử dụng sản phẩm để điều tiết sản xuất phù hợp với phân khúc thị trường mà mình nhắm tới.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.