Chàng trai gắn bó với cà phê hữu cơ
Gần 15 năm qua, anh Đặng Văn Huy ở thôn 3 (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar) đã gắn bó, trăn trở cùng từng hạt cà phê hữu cơ với quyết tâm theo đuổi ước mơ xây dựng “Nông trại hữu cơ” cho riêng mình.
Khác biệt với những vườn cà phê thường thấy, nông trại cà phê rộng 5 ha của Huy trông có vẻ “bừa bộn”. Từng gốc cây không được chăm chút vét bồn, làm sạch cỏ mà ngổn ngang cành lá, cây cỏ mọc xung quanh. Năm nay mới 31 tuổi nhưng nhìn Huy già dặn, rắn rỏi, cách nói chuyện cũng "tưng tửng", "bất cần". Nhưng khi nghe anh chia sẻ về chuyện làm nông nghiệp sạch, làm cà phê hữu cơ, dễ nhận thấy ở con người này thực sự có niềm đam mê, quyết tâm theo đuổi con đường riêng của mình.
Năm 2004, khi Huy đang học lớp 11, mẹ ốm nặng, bố dành thời gian chăm sóc mẹ, việc nương rẫy giao lại cho Huy. Vốn sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, trước đây Huy vẫn thường ra con suối Ea Neh sau rẫy cà phê nhà mình để tắm nhưng càng ngày mực nước càng cạn kiệt, có nơi đã trơ đáy. Huy cũng cảm nhận được môi trường sống xung quanh mình đang dần thay đổi, thời tiết cực đoan hơn, nắng nóng, hạn hán gay gắt hơn. Từ đó, Huy nung nấu ý định sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San tham quan, tìm hiểu nông trại cà phê hữu cơ của anh Đặng Văn Huy. |
Năm 2005, học xong lớp 12, Huy lang thang khắp nơi để học hỏi cách làm nông nghiệp sạch. Được bố chia sẻ về cách khởi nghiệp với cây cà phê và tìm đọc lại những tài liệu cũ, Huy nhận thấy đối với cà phê Robusta thì trồng, chăm sóc theo kiểu tự nhiên của người Êđê xưa sẽ cho chất lượng cao nhất. Thế là anh quyết định thử nghiệm với 1 ha cà phê của gia đình. 1 ha cà phê ấy Huy gần như bỏ mặc, chỉ tưới nước, làm cành, không sử dụng các loại phân hóa học mà để cỏ mọc tự nhiên rồi đánh gục xuống gốc. Cành, chồi, lá cà phê không được thu dọn sạch sẽ mà rải đều xung quanh. Sau một năm, năng suất 1 ha cà phê này chỉ còn khoảng 1 tấn, giảm 3-4 lần so với trước kia. Huy nhớ lại: “Lúc ấy trong mắt mọi người, tôi như một thằng điên, gàn dở. Gia đình không ai đồng ý với cách làm của tôi nhưng các anh chị đã có cuộc sống riêng, bố mẹ thì già yếu nên phó mặc để tôi tự… bơi”.
“Nếu mình không thay đổi cách làm, cứ “bóc lột” thiên nhiên, sử dụng những chất có hại cho môi trường thì mai này con cháu mình sẽ phải trả giá. Nghĩ vậy nên tôi tự mày mò tìm hướng đi của mình và tôi cảm thấy hạnh phúc với con đường mình đã chọn”.
Đặng Văn Huy chia sẻ
|
Huy mua thêm 3 sào ruộng trồng lúa và trồng xen dần các loại cây khác trong vườn cà phê như sầu riêng, bơ, mãng cầu, mít, mắc ca… "lấy ngắn nuôi dài". Để có tư cách pháp nhân đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năm 2009, Huy thành lập Công ty TNHH Một thành viên Huy Hùng chuyên kinh doanh tiêu, cà phê.
Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, từ năm 2011 đến nay, Huy tập trung phát triển mạnh cà phê hữu cơ, nhân rộng ra toàn bộ diện tích 5 ha. Huy còn trồng thêm một lớp cỏ lạc trong vườn nhằm cố định đạm. Ngoài ra, anh trồng cây cúc quỳ xung quanh bờ lô để cắt tủ cho gốc cà phê, đến mùa mưa rải thêm một số loại nấm, men vi sinh ủ với các loại cỏ, lá cây, vỏ cà phê, vừa giúp giữ ẩm, tạo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng vừa tiết kiệm chi phí, chống xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê hữu cơ, Huy chú trọng thu hái quả chín gần 100%, thời gian thu kéo dài từ 3-4 tháng. Cà phê sau thu hoạch được sơ chế, rửa sạch, phơi trong nhà lưới để lên men tự nhiên rồi rang, xay. Mỗi ký cà phê được trồng, chế biến kỳ công như thế có giá bán từ 150.000 – 300.000 đồng. Mặc dù năng suất chỉ từ 800 kg đến 1,2 tấn nhân/ha nhưng cộng với các loại cây trồng xen thì trừ chi phí cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha và tạo thêm việc làm thường xuyên cho khoảng 10 người.
Anh Đặng Văn Huy ở thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar (bìa phải) chia sẻ về cách làm cà phê hữu cơ. |
Từ năm 2015, Huy đã đăng ký chứng nhận Nông trại cà phê hữu cơ với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đang hoàn thiện các yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận trong năm 2019.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc