Cuộc sống mới ở khu định cư Cư Né
Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, năm 2012, UBND huyện Krông Búk đã cấp đất ở cho 181 hộ người Êđê của buôn Dhia (nay tách thành buôn Dhia 1 và buôn Dhia 2), trung bình mỗi hộ 250 m2 đất làm nhà ở.
Những ngày đầu mới hình thành, người dân buôn Dhia 1 và buôn Dhia 2 gặp rất nhiều khó khăn bởi bà con đã quen với lối sống tạm bợ, tập quán sinh hoạt du canh, du cư. Điểm định cư lại xa khu vực sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo khá cao…
Diện mạo buôn Dhia 1 đang ngày càng khởi sắc. |
Nhớ lại những ngày “chân ướt chân ráo” đến buôn định cư mới, anh Y Toang Mlô (buôn Dhia 1) kể: “Về đây có cái nhà kiên cố để ở nhưng lại cách xa rẫy hơn 10 km, đi lại vất vả lắm. Đất canh tác lại ít nên cái nghèo vẫn đeo bám gia đình...". Không nản lòng trước khó khăn, anh Y Toang xin làm thuê ở các tiệm cơ khí trong huyện để học hỏi kinh nghiệm và có thêm chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Đến cuối năm 2012, được xã giới thiệu, anh đăng ký học nghề cơ khí - gò hàn tại Trung tâm dạy nghề huyện với mong muốn được đào tạo bài bản. Khi tay nghề đã khá dần lên, năm 2014, với số vốn tích cóp được, Y Toang quyết định mở tiệm cơ khí tại nhà, chuyên sửa chữa máy nổ, máy cày. Sau gần 5 năm hoạt động, cửa tiệm của anh Y Toang được nhiều người tin tưởng tìm đến. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, Y Toang còn tận tình giúp đỡ nhiều thanh niên trong buôn có cơ hội vừa học vừa làm với mức lương 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Học tập Y Toang, nhiều hộ dân trong buôn đã thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất, kinh doanh để vươn lên trong cuộc sống.
Cửa tiệm cơ khí của anh Y Toang Mlô (ngoài cùng bên trái) ở Buôn Dhia 1. |
Ông Y Thân Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né
|
Ngoài nguồn thu nhập chính từ nương rẫy, người dân buôn Dhia 1 và buôn Dhia 2 đã chủ động đa dạng hóa ngành nghề, kết hợp chăn nuôi, làm dịch vụ, buôn bán… Nhờ đó, đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Điển hình như gia đình chị H’Sip Niê (buôn Dhia 2), tận dụng lợi thế nhà ngay mặt đường, giao thông thuận lợi, nên ngoài canh tác 1,5 ha cà phê, chị mở thêm cửa hàng tạp hóa.
Chị H’Sip chia sẻ: “Trước kia cuộc sống ở nơi ở cũ thiếu thốn đủ đường, nhiều khi nước sinh hoạt còn không có để sử dụng. Về nơi ở mới, được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ tiền chuyển nhà, giúp đỡ cây, con giống để phát triển sản xuất. Kinh tế cải thiện giúp mình có điều kiện chăm lo việc học tập cho các con tốt hơn”.
Theo ông Y Thân Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né, nhờ có khu định cư này đã làm thay đổi nhận thức của người dân về tập quán sinh hoạt, họ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu văn hóa, giúp nhau giảm nghèo… góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng. Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề về văn hóa, y tế, giáo dục… được người dân quan tâm hơn. Ban công tác Mặt trận buôn cũng làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các cuộc họp, sinh hoạt thường kỳ, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự…
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc